Đừng xem nhẹ sức khỏe tinh thần trẻ nhỏ
Không khó để nhận thấy, trẻ em thời nay có điều kiện đầy đủ về vật chất, phương tiện học tập, vui chơi hơn thế hệ bố mẹ, ông bà rất nhiều. Tuy nhiên, đời sống tinh thần của trẻ lại nghèo nàn đi và gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc...
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ, tập trung chủ yếu ở trẻ em. Ước tính, trẻ em Việt Nam rối loạn phổ tự kỷ dao động từ 0,5 đến 1%.
Khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, số người từ 11-24 tuổi ở nước ta đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần (lo âu, trầm cảm, cô đơn, giảm sự tập trung…) chiếm tới 8 - 29%. Tỷ lệ này khác nhau giữa các nhóm tuổi, vùng miền, hoàn cảnh sống, nhưng tương đối giống nhau về biểu hiện và nguyên nhân.
Những con số thống kê về số ca trẻ được phát hiện mắc các bệnh rối loạn phát triển như tự kỷ, tăng động hay các bệnh lý trầm cảm, số ca trẻ tự tử cho thấy, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em chưa được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài. Đây thực sự là một lỗ hổng cực lớn trong công cuộc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.
BS Nguyễn Tâm Long - Khoa Nhi (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, trước tiên cần hiểu, sức khỏe tinh thần của trẻ chính là cách mà trẻ suy nghĩ, cảm nhận và hành động về thế giới xung quanh. Loại sức khỏe này bao gồm cảm xúc, tâm lý và xã hội của trẻ. Sức khỏe tinh thần tích cực sẽ giúp trẻ em sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.
Từ khi được ra đời, lớn lên, não bộ trẻ phát triển theo trình tự: phát triển về cảm giác – âm thanh – hình ảnh. Từ khi còn trong bụng, trẻ cũng đã có những cảm nhận phụ thuộc theo cảm xúc của mẹ: mẹ vui, bé vui; mẹ buồn, lo lắng bé cũng bồn chồn... Vì thế, để trẻ có một nền tảng sức khỏe thể chất, tinh thần tốt, thì bản thân người mẹ cũng cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần toàn diện trước – trong – sau thai kỳ.
Sau khi trẻ chào đời, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần rất cần được gia đình chú trọng và phải làm cẩn thận ngay từ đầu, từ những điều nhỏ nhất và không tách rời việc nuôi dưỡng thể chất.
Theo BS Long, để việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ được hiệu quả và lâu bền hơn, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ. Trẻ cần được nuôi dưỡng sữa mẹ từ khi sinh ra, đến 6 tháng bắt đầu ăn dặm, và duy trì sữa mẹ đến tối thiểu 24 tháng (theo khuyến cáo của WHO). Khi trẻ ăn được, cha mẹ nên lựa chọn các thực phẩm tốt cho sức khỏe như ngũ cốc nguyên cám, cá nhiều chất béo, rau củ quả tươi… Cha mẹ nên sử dụng các món ăn chế biến từ thực phẩm đảm bảo tại nhà, hạn chế cho trẻ dùng thức ăn nhanh, đồ ăn ngọt hoặc chiên rán để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tránh các vấn đề rối loạn tiêu hóa.
Nên cân bằng thời gian ngủ, nghỉ ngơi của trẻ với các hoạt động học tập, vui chơi giải trí. Trong quá trình ngủ, não bộ của trẻ sẽ tiết ra lượng hormone giúp bé tăng trưởng chiều cao đồng thời giúp cơ thể phục hồi năng lượng. Khi ngủ đủ giấc, tinh thần của trẻ được sảng khoái, giúp bé có thể hoạt động khỏe khoắn, tươi vui.
Sự phát triển của trẻ không chỉ cần đến sự quan tâm của cha mẹ mà còn cần đến sự phối hợp, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh trẻ. Gia đình và nhà trường là hai đối tượng tiếp xúc và đồng hành cùng trẻ nhiều nhất, do đó, phụ huynh cùng các thầy cô giáo cần có sự phối hợp cũng như có phương pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ hợp lý, khoa học để trẻ có thể phát triển mạnh khỏe, toàn diện nhất.
Theo BS Nguyễn Tâm Long - Khoa Nhi (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), khi trẻ có vấn đề sức khỏe tinh thần, cần được phát hiện và can thiệp kịp thời. Cha mẹ, ông bà, thầy cô là những người tiếp cận trẻ hàng ngày, nhất thiết cần được trang bị kiến thức và cần để tâm đến trẻ, dành thời gian chất lượng cho trẻ. Từ đó có thể nhận biết được những vấn đề sức khỏe tinh thần nếu trẻ gặp phải và có những can thiệp để hỗ trợ trẻ kịp thời. Ngoài ra, trước tình trạng thanh, thiếu niên mắc chứng tự kỷ, trầm cảm… có xu hướng gia tăng, việc mở rộng dịch vụ tham vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần tại gia đình, cộng cũng là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu, cần triển khai sớm và rộng khắp.