Biến động 'ngập ngừng' của thị trường vàng
Theo công bố của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam giảm 9% trong quý 2/2023 so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của WGC cho biết, tại Việt Nam, nhu cầu của người tiêu dùng vàng trong quý 2/2023 giảm từ 14 tấn vào quý 2/2022 xuống còn 12,7 tấn. Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ vàng thỏi và xu vàng giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 9,6 tấn trong quý 2/2022 xuống còn 9,1 tấn trong quý 2/2023. Đối với mảng trang sức, mức suy giảm còn mạnh hơn khi nhu cầu giảm từ 4,5 tấn trong quý 2/2022 xuống còn 3,7 tấn vào quý 2/2023, tương đương mức giảm 18% so cùng kỳ.
Một số chuyên gia cho biết, tương tự như các thị trường khác thuộc khu vực ASEAN, nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đang giảm. Sự suy giảm kinh tế đã tác động đến tâm lý thị trường. Nhu cầu mua vàng bị hạn chế do tính thanh khoản thấp, chịu tác động từ sự suy thoái của thị trường chứng khoán và bất động sản.
Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu, tính chung nửa đầu năm các ngân hàng trung ương vẫn mua số lượng vàng kỷ lục là 387 tấn và nhu cầu vàng hàng quý vẫn có chiều hướng tích cực trong dài hạn, cho thấy rằng hoạt động mua của các ngân hàng trung ương vẫn sẽ duy trì mạnh mẽ trong suốt cả năm.
Xét về mặt đầu tư vàng, nhu cầu vàng thỏi và xu vàng tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 277 tấn trong quý 2/2023, với mức tổng đầu tư lên đến 582 tấn trong nửa đầu năm 2023, nhờ vào sự tăng trưởng ở các thị trường trọng điểm bao gồm Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, việc rút vốn ra khỏi quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng chạm mức 21 tấn trong quý 2/2023 ít hơn đáng kể so với mức 47 tấn trong cùng quý năm 2022, và góp phần khiến tổng số vốn rút ròng trong nửa đầu năm đạt 50 tấn.
Tình hình tiêu thụ trang sức vẫn ổn định ngay cả khi giá vàng tăng cao 3% so với cùng kỳ trong quý 2, đạt mức tổng tiêu thụ 951 tấn trong nửa đầu năm 2023.
Theo bà Louise Street - chuyên viên Nghiên cứu Thị trường tại WGC mặc dù tốc độ tăng chậm hơn trong quý 2/2023, xu hướng mua vàng của các ngân hàng trung ương đã thể hiện tầm quan trọng của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và điều kiện kinh tế đầy thách thức đang diễn ra trên toàn thế giới.
Trở lại với thị trường trong nước, giá vàng SJC sáng 4/8 tăng so với phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TPHCM giao dịch mua - bán quanh mức 66,65 – 67,25 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, trong khoảng 66,65 – 67,27 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 600.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,55 – 67,3 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu 66,67 – 67,23 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 560.000 đồng/lượng.