Nhiên liệu hóa thạch và nghĩa vụ đạo lý
Tranh cãi gay gắt cùng sự chia rẽ đã khiến Hội nghị Bộ trưởng năng lượng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) không ra được tuyên bố chung về vấn đề giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Thống kê của Liên hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, thiên tai đã làm thiệt mạng hơn 1 triệu người, ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ người và gây thiệt hại kinh tế gần 3 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới. Điều đó được cho là đến từ biến đổi khí hậu, trong đó thủ phạm được xác định là việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch (hai nguồn chính là than đá và dầu mỏ). Nhưng dẫu thế thì nhân loại vẫn phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Phần lớn khí phát thải là từ các nước phát triển, trong khi đó các nước nghèo và đang phát triển lại là nạn nhân chính của biến đổi khí hậu.
“Phi carbon hóa nền kinh tế”, nói thì dễ nhưng làm cực khó. Để thực hiện mục tiêu đó, mỗi năm thế giới cần 1,3 nghìn tỷ USD trong khi cam kết trợ giúp của các nước giàu hiện chưa tới 100 tỷ USD/năm. Vì thế người ta nói rằng, trong lĩnh vực này không chỉ có trách nhiệm mà còn là “nghĩa vụ đạo lý”.
Gần đây, dư luận còn sửng sốt hơn khi biết rằng tiêu thụ than toàn cầu năm 2022 ở mức cao kỷ lục - công bố của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA). Theo đó, tiêu thụ than toàn cầu năm 2022 tăng 3,3% lên mức 8,3 tỉ tấn. Trong nửa đầu năm 2023, nhu cầu than toàn cầu ước tính tăng khoảng 1,5% với tổng số khoảng 4,7 tỉ tấn.
Keisuke Sadamori - Giám đốc thị trường năng lượng và an ninh của IEA đánh giá, than là nguồn phát thải carbon lớn nhất từ lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ than ở châu Á vẫn cao, ngay cả khi nhiều nền kinh tế đã tăng cường đáng kể năng lượng tái tạo.
Tháng 7 vừa qua được giới khí tượng cho là tháng 7 nóng nhất trong vòng 1.200 năm. Tất nhiên biến đổi khí hậu có nhiều nguyên nhân nhưng việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch trong một thời gian dài và ngày một gia tăng đã “dự phần” vào việc đó một cách thiếu vẻ vang. Khái niệm “năng lượng xanh” ngày một phổ biến nhưng với quốc gia giàu có dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi dù phải đầu tư rất lớn. Với các nước nghèo, đang phát triển thì đó lại là bài toán cực khó. Vậy, trách nhiệm và nghĩa vụ đạo lý của các nước giàu ra sao, hay cũng chỉ dừng lại ở những cam kết và lời hứa?