Hoang hóa gần 10ha đất nông nghiệp, do đâu?
Thời gian qua, nhiều hộ dân ở thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi phản ánh, thủy điện Hà Nang của Công ty TNHH MTV Thủy điện Thiên Tân đã ngăn đập khiến gần 10ha đất nông nghiệp của bà con thiếu nước sản xuất đành phải bỏ hoang.
Theo người dân thôn 2, xã Trà Thủy, hơn 10 năm qua dù đã lắp trạm bơm để bơm nước xuống vùng hạ lưu, nhưng chủ đầu tư thuỷ điện Hà Nang gần như không chia nước nên bà con địa phương không có nước để canh tác hoa màu và một số công trình thuỷ lợi được đầu tư tiền tỷ giờ bỏ hoang. Vì thế gần 10ha đất nông nghiệp của bà con đành bỏ không nhiều năm qua. Người dân đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu Công ty TNHH MTV thủy điện Thiên Tân chia nước hợp lý cho dân, nhưng đến nay 2 cánh đồng Dờ Mâu và Nà Tà Núc vẫn không có nước phục vụ sản xuất.
Anh Hồ Văn Hùng (ở thôn 2, xã Trà Thủy) cho biết, trước khi chưa có thủy điện Hà Nang, nước tưới phục vụ sản xuất đầy đủ thì ruộng lúa của người dân rất xanh tốt. Thậm chí, có những điểm còn được lựa chọn để thực hiện mô hình cho năng suất cao.
“Nhà tôi có 5 sào trồng lúa ở 2 cánh đồng Nà Tà Núc và Dờ Mâu. Lâu nay cả 5 sào ruộng đều không có nước nên tôi bỏ không hơn 10 năm rồi. Hiện tại một số hộ dân chuyển qua trồng keo, nhưng với diện tích chỉ vài sào, sau 5 năm thu hoạch hiệu quả cũng không cao. Đất không thể sản xuất nên người dân trong thôn phải đi làm thuê để kiếm sống” - anh Hùng nói.
Trong khi đó, ông Hồ Văn Ninh (ở thôn 2, xã Trà Thủy) cho hay, toàn thôn 2 có khoảng 60 hộ dân có đất sản xuất bị ảnh hưởng khi thủy điện ngăn đập chặn dòng nước. Mặc dù vậy, hơn 10 năm qua, phía Công ty TNHH MTV Thủy điện Thiên Tân chỉ duy nhất một lần hỗ trợ cho mỗi hộ dân được vài chục kg gạo, còn không hề có động thái gì để đền bù thiệt hại.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, tại cánh đồng Dờ Mâu, Nà Tà Núc, với diện tích hơn 10ha cỏ cây mọc um tùm nên một số dân đã chuyển qua trồng cây keo. Bên cạnh đó, một số đoạn mương thủy lợi khô cạn nước, có nhiều rác thải, bùn đất bồi lấp đang trong tình trạng xuống cấp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Hồ Văn Tự - Chủ tịch UBND xã Trà Thủy cho biết, đập ngăn dòng mà Công ty TNHH MTV Thủy điện Thiên Tân xây dựng ở thủy điện Hà Nang hiện là đập đất chứ không phải đập gia cố bê tông cốt thép. Đến nay, đã qua hơn 10 năm sử dụng nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho vùng hạ du, nhất là vào mùa mưa bão.
“Do đó, chính quyền xã đã kiến nghị với Công ty Thiên Thân gia cố đập để đảm bảo an toàn đồng thời cho mực nước chảy tối thiểu để cung cấp nước cho người dân ở thôn 2 sản xuất lúa. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ trích kinh phí để sửa chữa lại hệ thống thủy lợi đảm bảo dẫn nước về đến đồng ruộng” - ông Tự thông tin.
Ông Bùi Châu Thiệu - Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy điện Thiên Tân cho biết, Dự án thủy điện Hà Nang được các cấp thẩm có quyền chấp thuận và cấp phép xây dựng, đưa vào vận hành năm 2011, mục đích để phục vụ phát điện, không phục vụ mục đích thủy lợi, tưới tiêu, theo đó hồ sơ thiết kế kỹ thuật được phê duyệt từ năm 2006 không thiết kế cống xả dòng chảy tối thiểu vì chưa có quy định về dòng chảy tối thiểu sau đập.
Đến khi Nghị định số 201/2013/NĐ - CP có hiệu lực thi hành, công ty đã phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế hồ sơ, tính toán phương án duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập nhưng các phương án đưa ra chưa được Hội đồng thẩm định Cục Quản lý Tài nguyên nước đồng ý, sau nhiều lần tính toán thiết kế nhằm đảm bảo được mục đích duy trì dòng chảy tối thiểu cũng như an toàn đập, đơn vị tư vấn thiết kế đã đưa ra được giải pháp ống xả nước xi phông ngược để duy trì dòng xả sau đập. Từ đó đến nay công ty luôn duy trì vận hành dòng chảy tối thiểu theo đúng giấy phép.
Theo ông Thiệu, sau gần 10 năm vận hành công trình, công ty mới nhận được ý kiến phản ánh này, do đó không thể khẳng định là việc xây đập Hà Nang làm ảnh hưởng việc canh tác của các hộ dân thôn 2, xã Trà Thủy. “Việc không có nước sản xuất tại cánh đồng suối nước Nung cần phải được các cấp chính quyền địa phương khảo sát đánh giá tìm ra nguyên nhân và có giải pháp xử lý một cách cụ thể, khách quan. Công ty cam kết sẽ luôn phối hợp, đồng hành cùng địa phương nghiên cứu tìm ra giải pháp hợp lý để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong vùng” - ông Thiệu nói.
Ông Đặng Minh Thảo - Bí Thư Huyện ủy Trà Bồng cho biết: “Sau khi nhận được thông tin phản ánh của bà con ở thôn 2, xã Trà Thủy về thủy điện Hà Nang chặn dòng không có nước sản xuất nông nghiệp, chính quyền huyện đã tổ chức đối thoại với người dân, tại đây đa số bà con thống nhất việc phối hợp với UBND huyện Trà Bồng, Công ty TNHH MTV Thủy điện Thiên Tân cùng chính quyền xã Trà Thủy rà soát các ý kiến của bà con để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục ngay những việc ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của bà con”.