Hiểm họa trong mùa mưa
Những ngày qua, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở, sụt lún tại nhiều địa phương trong cả nước. Công tác cứu hộ được khẩn trương triển khai cùng với di dân khỏi vùng nguy hiểm.
Tây Bắc: Nhiều tuyến giao thông bị chia cắt
Ngày 6/8, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, mưa lớn xảy ra vào tối qua đã gây lũ lớn, sạt lở đất, đá làm 4 người chết và 3 người bị thương. Các nạn nhân bị thiệt mạng trú tại xã Tà Mung và Khoen On. Mưa lũ cũng làm 3 người bị thương, 8 người tại xã Mường Kim bị mắc kẹt giữa 2 điểm sạt lở thuộc xã Mường Kim (Than Uyên) và xã Hố Bốn (Mù Cang Chải).
Trước đó, ngày 4/8, mưa lớn trút xuống tỉnh Điện Biên khiến nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ, sạt lở. Theo thống kê ban đầu, 17 nhà dân bị hư hỏng, hơn 40ha lúa bị thiệt hại; khoảng 7.000 m3 đất đá sạt lở xuống đường tại một số tuyến đường liên bản; 2 công trình thủy lợi bị sạt lở hư hỏng... Trong khi đó, Đài khí tượng thủy văn Điện Biên cho biết mưa lớn sẽ còn kéo dài đến hết ngày 8/8.
Ngày 5/8, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tỉnh Sơn La cũng xảy ra tình trạng sạt lở đất, đá lăn hết sức nguy hiểm. Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 9 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài trên 670 km, 19 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài gần 1.000 km. Trong đó, nhiều điểm trên các tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 37, quốc lộ 279D... đi qua những khu vực có địa hình phức tạp, nền địa chất không ổn định, khi mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở đất, đá lăn luôn hiện hữu. Đến ngày 6/8 có 8 xã của huyện Mường La bị ngập nặng; 1 người chết, 35 nhà phải di dời khẩn cấp.
Dự báo, trong những ngày tới, ở khu vực các tỉnh vùng núi Bắc Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều tỉnh, huyện.
Tây Nguyên: Sạt trượt làm đảo lộn sinh hoạt của người dân
Cho đến ngày 5/8, tình trạng sụt lún, sạt trượt tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục diễn biến phức tạp. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Gia Nghĩa xuất hiện vết nứt, vênh và sụt lún, chính quyền địa phương cũng giăng dây, cắm bảng cấm toàn bộ phương tiện lưu thông trong làn đường dành cho xe thô sơ. Vị trí cấm có chiều dài khoảng 300 m, tại địa phận phường Nghĩa Thành.
Dự án Hồ chứa nước Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, Đắk Glong) cũng xuất hiện tình trạng sạt trượt. Từ khu vực Dự án xuất hiện cung trượt lớn kéo dài khoảng 400 m từ hạ lưu tràn tới cống thoát nước số 1 đường tránh ngập, chiều cao cung trượt khoảng 30 m. Ảnh hưởng của cung trượt này làm áp lực đất bên phía đồi bị tác động lớn gây dịch chuyển bề mặt cầu giao thông qua tràn. Phần mái ta luy đất phía hạ lưu tràn đã xảy ra hiện tượng nứt gãy, vết nứt có những vị trí kéo dài khoảng 20 m. Nhà cửa của những hộ dân xung quanh đồi có hiện tượng nứt gãy nền nhà.
Khu vực Hồ chứa nước Đắk N’Ting có 34 hộ dân đang sinh sống, chính quyền địa phương cử cán bộ xuống vận động, hỗ trợ di dời nhà cửa, vật nuôi, tài sản của 34 hộ dân, với hơn 100 nhân khẩu ra khỏi nơi nguy hiểm.
Tại Công điện 725 của Chính phủ, ngày 4/8, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum cùng các bộ ngành liên quan tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập tại các tỉnh Tây Nguyên; rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, bảo đảm an toàn dân cư. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra sự cố mất an toàn hồ đập gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Còn tại Lâm Đồng, mưa lớn kéo dài từ đêm 3 đến ngày 5/8 khiến tuyến đường tránh phía nam TP Bảo Lộc, đoạn qua phường Lộc Sơn, bị sụt lún kéo dài, gây ngập cục bộ nhiều khu vực. Theo ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh, tình hình mưa bão đã gây ra nhiều vụ sạt lở trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 3 vụ sạt lở nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng làm 6 người chết. Đáng chú ý, tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay vẫn còn 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất nên địa phương vẫn phải tiếp tục triển khai rà soát, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Trong đợt mưa kéo dài này, Lâm Đồng là địa phương phải hứng chịu nhiều vụ sạt lở đất hậu quả rất nặng nề. Trong đó, vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc (ngày 30/7) làm 4 người chết. Trước đó, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt): bêtông từ trên cao, đất đá tràn xuống 4 ngôi nhà phía dưới.
Mùa mưa còn kéo dài, vì vậy công tác phòng chống lũ lụt, sạt lở bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân phải là nhiệm vụ hàng đầu, trọng tâm.
Chuyển đổi đất rừng làm đường, nhà ở gây nguy cơ sạt lở đất đá
Về nguyên nhân trượt lở đất đá liên tục xảy ra ở Đà Lạt (Lâm Đồng), đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) và một số địa phương gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, những sườn núi, đồi tự nhiên có hiện tượng phong hóa, đất đá vẫn bị trượt lở từ từ. Khi chúng ta cần không gian để phát triển, các hoạt động thay đổi bề mặt như chuyển đất rừng thành đất trồng cây, san gạt đất để làm nhà, làm đường, xây dựng các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện... làm thay đổi cấu trúc bề mặt tạo nên nguy cơ sạt lở, trượt lở. Nhất là khi trời mưa kéo dài thì nguy cơ sạt lở sườn đồi, núi càng lớn hơn”.