Thoát nghèo nhờ nuôi lợn rừng
Cuộc sống của người dân xã biên giới Hóa Sơn (huyện Minh hóa, tỉnh Quảng Bình) đã có nhiều thay đổi tích cực khi người dân cùng nhau nuôi lợn rừng để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Hóa Sơn là xã biên giới rẻo cao của huyện Minh Hóa, tách biệt với các địa phương khác bằng con đường độc đạo băng qua những hẻm núi cheo leo. Người dân trong xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, Chứt... có cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.
Thế nhưng, trong những năm trở lại đây, người dân Hóa Sơn không còn vào rừng khai thác gỗ lậu hay lâm sản như trước mà chuyển sang chăn nuôi lợn rừng. Thu nhập từ nuôi lợn giúp cho cuộc sống của người dân ổn định hơn.
Chị Cao Thị Ngân (ở thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn) cho biết: “Năm 2018, từ chính sách 135 giảm nghèo cho địa phương, gia đình tôi được xã hỗ trợ 3 con lợn rừng giống. Thấy nuôi lợn này không khó, nên vợ chồng tôi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa đầu tư chuồng trại phát triển đàn lợn rừng. Đến nay, gia đình có 6 con lợn rừng nái, 1 con đực giống và hơn 50 con lợn các lứa tuổi”.
Theo chị Ngân, việc chăn nuôi lợn rừng theo hướng chăn thả không khó, cần phải chọn giống đạt chất lượng tốt. Chuồng trại kết hợp rào lưới B40 khoanh vùng cho lợn vận động.
“Lợn rừng của người dân địa phương được nuôi từ các loại thức ăn có sẵn trong vườn như bắp ngô, bắp chuối, rau khoai... Ngoài ra, hàng ngày chúng tôi vào rừng chặt cây chuối rừng về thái nhỏ cho lợn ăn. Lợn được nuôi từ các thức ăn tự nhiên nên lớn chậm, nhưng chất lượng thịt ngon” - chị Ngân chia sẻ.
Ông Đinh Hồng Tuyên - Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho biết, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Hóa Sơn bao quanh bởi các dãy núi đá cao trập trùng tách biệt với bên ngoài. Để thay đổi cách suy nghĩ, cách làm của bà con thì cán bộ, đảng viên ở cơ sở phải kiên trì và làm gương trước.
Năm 2018, nhờ được sự hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo bền vững, như: Chương trình 135, Chương trình 30a… UBND xã đã hỗ trợ giống lợn rừng cho bà con nuôi mô hình.
Các cán bộ, đảng viên trên địa bàn cùng làm mô hình chăn nuôi lợn rừng thành công, từ đó người dân địa phương học tập và làm theo. Phong trào nuôi lợn phát triển nhanh. Hiệu ứng tích cực nên người dân đã vay tiền làm chuồng trại, mua giống lợn về nuôi.
Xã cử cán bộ đi học tập rồi về mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lợn rừng, hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi cho người dân. Đến nay, 100% các hộ ở xã Hóa Sơn đều chăn nuôi lợn. Trong đó, hơn 100 hộ nuôi lợn rừng có quy mô, nhiều hộ thu nhập từ bán lợn từ 100 -150 triệu đồng/năm. Còn lại nuôi nhỏ lẻ từ 5-10 con.
“Khi giống lợn rừng về địa phương, được người dân quan tâm đầu tư nuôi, phát triển, từ đó nhiều hộ dân đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định từng bước vươn lên. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm khá mạnh, đạt gần 10%/năm. Đây là một cách làm hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo của xã”- ông Đinh Hồng Tuyên nói.