Giữ ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

H.Hương 07/08/2023 07:27

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp đã chủ động đàm phán với chủ sở hữu trái phiếu để mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, đồng thời cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ảnh minh họa.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thời điểm 28/7/2023 khoảng 1,02 triệu tỷ đồngchiếm 10,8% GDP năm 2022, bằng 8,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Từ đầu năm đến ngày 28/7, có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 62,3 nghìn tỷ đồng (giảm 77,8% so với cùng kỳ năm 2022), chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản (chiếm 54,2%), tiếp đến là tổ chức tín dụng - TCTD (31,6%); 60,5% trải phiếu phát hành có tài sản đảm bảo (TSĐB).

Trong bối cảnh tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, căn cứ các quy định tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp đã phải đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ (một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu từ tháng đến 2 năm lãi suất được thỏa thuận tăng 0,5 - 3% so với lãi suất ban đầu, ví dụ như Tập đoàn Sovico, Novaland, Hưng Thịnh Land...).

Theo Bộ Tài chính, việc các doanh nghiệp chủ động đàm phán với chủ sở hữu trái phiếu đã góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư; đồng thời cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh, qua đó có dòng tiền để trả nợ khi trái phiếu đến hạn sau quá trình tái cơ cấu.

Tính đến cuối tháng 5/2023, tỷ trọng giá trị trái phiếu lưu hành chỉ còn chiếm 11,6% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 18,2% GDP vào thời điểm thị trường bùng nổ cuối năm 2021. Điều này có nghĩa là thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đã bị thu hẹp khoảng 30% so với trước đó.

Dù áp lực TPDN đã được “làm mềm” đáng kể từ sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường trái phiếu vẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn còn tiếp tục tăng lên. Nếu thanh khoản không cải thiện, nhiều nhà phát hành trái phiếu sẽ phải đối mặt với khó khăn ngày càng lớn trong việc đảm bảo đủ nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu của mình.

Vậy làm sao để khơi thông được thị trường TPDN? Luật sư Phạm Thanh Hà cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, gỡ vướng và giám sát doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong việc thanh toán nợ, gốc cho nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp. Đây vẫn là giải pháp quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay.

Việc giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm nếu xảy ra tiêu cực trong việc chấp thuận tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp của các công ty chứng khoán cũng là rất cần thiết, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch cho thị trường. Cần phải có giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ở tỷ lệ phù hợp.

Trong khi đó Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường TPDN công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung vào một số nhóm giải pháp như: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.

Về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường TPDN, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ; triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành TPDN ra công chúng đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện bên cạnh kênh phát hành riêng lẻ để đa dạng hóa nhà đầu tư; phát triển cơ sở nhà đầu tư thông qua việc rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn (quỹ đầu tư) để tạo cầu đầu tư bền vững cho thị trường.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

H.Hương