Chặn tận gốc tiêu cực, tham nhũng
Bốc thăm xác minh tài sản là một trong những giải pháp để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước. Cùng với giải pháp này, cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm, mong muốn cần có nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018), ngăn chặn từ gốc những “kẽ hở” khiến cán bộ lợi dụng để tiêu cực, tham nhũng.
Thanh tra TPHCM vừa tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên, lựa chọn ra 168 người thuộc 10 cơ quan, đơn vị trên địa bàn để xác minh tài sản, thu nhập đợt 2 năm 2023. Trước đó, trong đợt 1 năm 2023 cũng đã có 12 đơn vị tại TPHCM thực hiện bốc thăm, chọn được gần 100 cán bộ, công chức để thực hiện xác minh tài sản, thu nhập. Đối tượng chính của cả hai đợt bốc thăm ngẫu nhiên do Thanh tra TPHCM tổ chức, chủ yếu là cán bộ công chức thuộc khối sở, ban ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức. Chỉ số ít là cán bộ tại các Tổng Công ty 100% vốn nhà nước do TPHCM quản lý.
Trước TPHCM, từ năm 2022, Hà Nội cũng là địa phương tích cực lập kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ. Trong đó, Thanh tra Hà Nội cùng đơn vị liên quan đã bốc thăm 10% cán bộ, công chức làm việc tại 12 sở, ban ngành và quận, huyện để xác minh tính trung thực khi kê khai tài sản. Về phía bộ ngành, Thanh tra Chính phủ cũng triển khai bốc thăm xác minh tài sản cán bộ, công chức tại các Bộ Công thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Cần khẳng định, việc lựa chọn hình thức bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản cán bộ, công chức trên phạm vi cả nước không phải là giải pháp mới, đã được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng (năm 2018) và quy định chi tiết tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP (năm 2020) về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Khi tổng kết thực tiễn triển khai, tại không ít địa phương, bộ ngành cũng mạnh dạn thiết kế theo hướng mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập và chia thành hai nhóm: Kê khai lần đầu và kê khai hàng năm. Trong đó, riêng nhóm phải kê khai hàng năm thu hẹp hơn, gồm người giữ chức vụ từ cấp Giám đốc Sở ngành trở lên và người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết thủ tục hành chính với người dân.
Riêng tại TPHCM, kể từ năm 2022 khi UBND TPHCM ban hành quyết định (số 1172/QĐ-UBND) phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập cán bộ, công chức thì hầu hết người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm đã thực hiện nghiêm túc. Kể cả, người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 4 năm liền trước đó. Bên cạnh đó, không bó buộc vào một giải pháp về bốc thăm ngẫu nhiên để chọn cán bộ, công chức để xác minh tài sản, thu nhập, TPHCM cũng thực hiện song song nhiều giải pháp khác nhau để có thể ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện công việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Trong đó, từ Hội nghị lần thứ 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025), Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM. Giải pháp này đã phát huy ngay lập tức kết quả về phòng chống tham nhũng, được thể hiện qua báo cáo công tác sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa tổ chức hồi tháng 3/2023. Cụ thể, đã có hai vụ án, bao gồm vụ án liên quan đến Công ty cổ phần kinh doanh F88 và vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm đã được Thường trực Ban chỉ đạo đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Từ mô hình hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực của TPHCM, khi tổng kết kinh nghiệm mô hình Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh vừa qua, Trung ương cũng đã thống nhất hướng giải pháp tất cả các hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở địa bàn nào, địa phương nào thì trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đó phải lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý. Kết quả, khi tổng kết hoạt động vào cuối tháng 6/2023, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã báo cáo đưa 444 vụ án, với 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Có thể nói, quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương luôn là vấn đề được đông đảo người dân, dư luận cả nước quan tâm. Và không chỉ bốc thăm ngẫu nhiên để chọn cán bộ vào diện xác minh tài sản, thu nhập, mỗi cấp, mỗi ngành, từng địa phương cần chủ động, đa dạng hơn nữa các giải pháp hiệu quả, thực chất để ngăn chặn tận gốc các hành vi tham nhũng, tiêu cực.