Bộ GTVT chỉ đạo khẩn về ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất

PV 07/08/2023 12:07

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu các đơn vị trong ngành chuẩn bị đầy đủ thiết bị vật tư và nhân lực ở những vị trí bị sụt trượt để chủ động khắc phục đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất.

Đường tránh Quốc lộ 20, qua TP Bảo Lộc bị sụt lún sáng 4/8. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ GTVT.

Bộ GTVT vừa có Công điện khẩn số 25-CĐ/BGTVT điện Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Sở GTVT các địa phương liên quan về việc tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên.

Công điện nêu rõ: Trong những ngày qua, tại khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên tiếp tục xảy ra mưa lớn kéo dài, nhiều khu vực tiếp tục xảy ra sụt lún, sụt trượt đất, ảnh hưởng đến các khu dân cư, các công trình giao thông, đặc biệt là tình trạng sụt lún, sụt trượt đất tại các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.

Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến ngày 8/8, khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biển từ 100-220mm, có nơi trên 300mm.

Thực hiện Công điện số 725/CĐ-TTg ngày 4/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 08/CĐ-QG ngày 5/8/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai, để đảm bảo an toàn giao thông và ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện Công điện số 23/CĐ-BGTVT ngày 21/7/2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, thiết bị vật tư và nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt để chủ động khắc phục đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất.

Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam cử lãnh đạo tham gia Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (khi được yêu cầu) kiểm tra công tác phòng ngừa, khắc phục thiên tai tại khu vực Tây Nguyên, nhất là công tác bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình, sạt lở, sụt lún đất tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông.

Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước... sẵn sàng, chủ động ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện; có kế hoạch dừng chạy tàu tại các khu gian trong vùng mưa lũ để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện.

Sở GTVT các tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ khu vực, các lực lượng chức năng của địa phương trong việc khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra, tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt; trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất bảo đảm an toàn các công trình, an toàn dân cư trên các tuyến quốc lộ được ủy thác và các tuyến tỉnh lộ thuộc địa bàn quản lý, có phương án bố trí phương tiện, thiết bị để kịp thời hỗ trợ người dân đi qua các khu vực bị ngập lụt.

Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông vận tải.

PV