Đề nghị Đắk Nông công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai
Sáng 7/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai đã đi kiểm tra công trình thủy lợi Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đang bị sụt lún nghiêm trọng, có nguy cơ vỡ đập.
Quan sát tại hiện trường, tuyến đường dẫn qua bờ đập bị xô lệch khoảng 10-20cm. Quanh mố cầu, bờ đập xuất hiện nhiều vết nứt vỡ. Bên phải đập có một quả đồi được người dân trồng hồ tiêu, cà phê rộng khoảng 10ha đang bị sụt lún. Theo tính toán của ngành chức năng có khoảng 1 triệu m3 đất nguy cơ bị sạt trượt.
Ông Hiệp cho biết, năm nay lượng mưa không lớn nhưng lại cấp tập vào một thời điểm. Tháng 7/2023, lượng mưa tại Đắk Nông cao gấp 1,5 lần năm 2022 và cao hơn gấp đôi so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, tình trạng để mất rừng, thay đổi dòng chảy, mạch nước ngầm dẫn đến những hậu quả sạt trượt như hiện nay.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị UBND tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai, để có giải pháp ứng phó, xử lý, đảm bảo tính mạng của người dân là trên hết. Tại hồ Đắk N’Ting hiện vẫn còn dấu hiệu dịch chuyển, nguy cơ vỡ rất cao. Do đó, UBND tỉnh phải tính toán đến kịch bản vỡ hồ. Nếu trường hợp hồ vỡ, mức độ thiệt hại phía hạ du như thế nào. Phải rà soát lại toàn bộ khu vực dưới hạ du, di dời hết người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm để giảm thiệt hại.
“Tôi đề nghị UBND tỉnh phải tính toán lại kịch bản vỡ hồ. Hiện nay hồ đang chứa 2 triệu m3 nước, nếu vỡ toàn bộ số nước này sẽ chảy về đâu? Đường đi như thế nào? Phải lên kịch bản xử lý để di dời hết toàn bộ các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị.
Cũng trong ngày 7/8, Đoàn công tác của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam đã đến Đắk Nông để khảo sát sạt địa chất tại một số khu vực sạt trượt; trong đó có điểm lở đất ở khu vực bon Bu Krắk (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức).
Đoàn khảo sát lần này do Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Cục Địa chất Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì. Tiến sĩ Đỗ Văn Lĩnh sẽ chủ trì cùng 8 thành viên khác đến Đắk Nông.
Theo kế hoạch, Đoàn khảo sát sẽ tìm hiểu hiện trạng, diễn biến, nhận xét nguyên nhân sơ bộ tại khu vực sạt trượt ở bon Bu Krắk. Trên cơ sở đó, Đoàn sẽ xem xét đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài để ứng phó kịp thời với hiện tượng sạt lở, nứt, sụt đất. Khu vực sạt trượt ở bon Bu Krắk nằm trên triền đồi có nhiều nhà dân, phía dưới là thung lũng sâu. Ngoài điểm sạt trượt bon Bu Krắk, Đoàn khảo sát sẽ tìm hiểu một số điểm sạt trượt khác ở Đắk Nông và Lâm Đồng.
Trước đó, vào đêm 31/7, khu vực bon Bu Krắk xuất hiện các vết sạt trượt. Trong những ngày qua, việc sạt trượt tiếp tục diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng đã di dời gần 70 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ và đang cắt cử lực lượng chốt trực, theo dõi.
Nhận định bước đầu cho biết, nguyên nhân là do mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Nước thấm vào khiến đất trở nên nặng hơn, sức bền giảm. Khu vực bon Bu Krắk ở chân đồi liền kề thung lũng nên đã xuất hiện các khe nứt và đang diễn biến phức tạp.