Kỷ nguyên nung nóng toàn cầu?
Những kỷ lục về nắng nóng liên tiếp bị xô đổ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Antonio Guterres, cảnh báo: kỷ nguyên của hiện tượng “ấm lên toàn cầu” đã chấm dứt và kỷ nguyên “nung nóng toàn cầu” bắt đầu.
Nắng nóng gay gắt khắp Bắc bán cầu trong mùa hè năm nay khi nhiệt độ bề mặt đại dương tăng lên mức bất thường. “Thật khó thở trong bầu không khí này. Cái nóng không thể chịu nổi, mức độ lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch và thiếu hành động vì khí hậu là không thể chấp nhận được. Các nhà lãnh đạo cần dẫn đầu nỗ lực hành động” - Tổng Thư ký LHQ nói.
Tại Tây Ban Nha, năm ngoái nhiệt độ cao nhất vào mùa hè là 48 độ C. Những tưởng đó đã là hỏa ngục, nhưng cuối tháng 7 năm nay, nông dân ở miền nam nước này đã phải chọn cách làm việc vào ban đêm và buổi sáng sớm, vì nhiệt độ ban ngày ở mức 45 - 55 độ C. Ông Francisco Robles - chủ trang trại trồng nho Robles Bodega, nói: “Ban ngày, cái nóng lên tới hơn 50 độ C. Bạn không thể làm việc trong thời tiết như thế. Chúng tôi thích nghi bằng cách làm việc từ 4 giờ sáng khi trời còn mát cho đến trước buổi trưa là nghỉ. Chăm sóc vườn nho vào tờ mờ sáng đã trở thành lối làm việc quen thuộc của người nông dân nơi đây”.
Cùng với năm 2022, năm nay Tây Ban Nha lại phải đương đầu với một mùa hé nắng nóng thiêu đốt. Nhiều vùng ở miền nam nước này ghi nhận tình trạng khô hạn nhất trong 1000 năm. Hạn hán kéo dài khiến các hồ chứa cạn kiệt, nông dân cầm chắc chuyện thất bát.
Trong khi đó, một quốc gia châu Âu khác là Hy Lạp cũng “khô rang” vì nắng nóng. Chưa hết, chỉ trong vòng 10 ngày, 50.000ha rừng ở Hy Lạp bị thiêu rụi. Trên các đảo Rhodes, Corfu và Evia, những cánh rừng như thể chờ cháy. Nắng nóng đỉnh điểm tại Hy Lạp lên tới 45 độ C, càng khiến cho cháy rừng tăng lên. Một lính cứu hỏa trong số hàng trăm nhân viên ở Evia cho biết, họ chỉ chờ đến khi nào rừng bốc cháy mà không biết phải làm gì để ngăn chặn.
Đó là châu Âu, còn châu Mỹ thì sao? Cơ quan Dịch vụ thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cho biết, hơn 180 triệu người ở nước này đã được cảnh báo và tư vấn về nhiệt độ quá cao, khi chỉ số nhiệt độ giữa trưa ở nhiều địa điểm tăng cao trên 100 độ F (38 độ C). Một số thành phố lớn của Mỹ, trong đó có Chicago, New York và Philadelphia đã phải mở các trung tâm tránh nóng trong các thư viện công cộng và trung tâm cộng đồng cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tiết trời nóng bức.
“Nhiệt độ cực cao có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và thậm chí gây tử vong” - chính quyền thành phố Boston cho biết trên trang web khi kêu gọi người dân tránh tiếp xúc với thời tiết nắng nóng để tránh bị sốc nhiệt, đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên và trẻ em.
Ở thành phố Philadelphia, nơi chỉ số nhiệt có lúc lên tới 108 độ F (42 độ C), chính quyền thành phố đã kéo dài giờ mở cửa hồ bơi công cộng và phun nước làm mát. Tại New York, nơi nền nhiệt lên tới 103 độ F (39 độ C), Phó Thị trưởng thành phố Philip Banks còn yêu cầu cư dân lưu ý đến hàng xóm và người thân, “lúc này chúng ta hãy lo sức khỏe cho nhau”.
Hồi giữa tháng 7, giới chuyên gia trong lĩnh vực thời tiết cho rằng tháng 6/2023 là tháng 6 nóng nhất được ghi nhận ở Mỹ kể từ năm 1850. Đây cũng là tháng thứ 47 liên tiếp có nhiệt độ trên mức trung bình trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, tại thời điểm này, kỷ lục đó đã bị xô đổ.
Tại Mexico, nắng nóng cực đoan đã khiến 249 người thiệt mạng, tính từ tháng 5 tới nửa đầu tháng 8. Bộ Y tế Mexico cho biết, bang Nuevo Leon có số ca tử vong liên quan đến nắng nóng cao nhất, hơn 100 trường hợp. Hầu hết các trường hợp tử vong là do sốc nhiệt, số ít còn lại là do mất nước. Bên cạnh đó, gần 3.200 trường hợp gặp vấn đề liên quan đến thời tiết khắc nghiệt. Nhiệt độ ghi nhận trong tháng 7 tại một số bang luôn ở mức từ 40-45 độ C.
Đây là mùa hè dữ dội nhất đối với Mexico trong vòng 150 năm.
Isabella, một phụ nữ ở thành phố Ciudad Valles (bang Sonora) cho biết, nhiều ngày liền ngoài đường vắng bóng trẻ con. “Các bà mẹ đều không dám mạo hiểm cho con ra ngoài chơi do quá nắng. Ngay cả việc làm cơm cho gia đình cũng không chu tất như trước vì phải ra ngoài đi chợ và như vậy chẳng khác gì cực hình” - chị Isabella nói. Còn Alessandro, nhân viên trường học ở thành phố Huimanguillo (bang Tabasco) cho biết, thường thì vào tháng 8 nắng nóng dịu, nhưng nay khác hẳn. Mỗi ngày đi đến trường tôi lại mang theo một can nước, để phòng khi lũ trẻ bị khát vì nóng” - ông Alessandro nói.
Suốt từ cuối tháng 7 tới nay, Bắc Mỹ và Trung Quốc phải hứng chịu các hình thái thời tiết cực đoan. Truyền thông Trung Quốc cho biết, hơn 800 nghìn người dân ở tỉnh Phúc Kiến đã bị ảnh hưởng sau khi bão Doksuri đổ bộ vào bờ biển tỉnh này. Trong khi đó, Thủ đô Ottawa của Canada hứng chịu một trận mưa đá dữ dội. Hơn 10 nghìn người ở Ottawa và thành phố Gatineau lân cận bị mất điện. Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ cho biết, khoảng 180 triệu người dân nước này (tương đương 50% dân số cả nước) đang phải lo lắng theo dõi một đợt nắng nóng khác rất gay gắt, ước tính nhiệt độ dao động ở mức 41 - 43 độ C. Tới nay dù mùa hè đã sắp đi qua nhưng những đợt nắng nóng vẫn chưa chấm dứt.