Cần sớm có Luật Năng lượng tái tạo

H.Vũ 09/08/2023 07:43

Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt các mục tiêu cụ thể phát triển điện mặt trời, điện mặt trời áp mái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, giai đoạn 2016-2021 vừa qua, ngành năng lượng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, thực tiễn triển khai còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập, cần được kịp thời tháo gỡ, giải quyết. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội đã quyết định chọn nội dung “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” để giám sát chuyên đề năm 2023.

Qua làm việc với một số bộ, ngành, các tập đoàn và giám sát tại một địa phương, đặc biệt là khi Đoàn giám sát làm việc với Bộ Công thương, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đã đề nghị Bộ Công thương làm rõ, đến lúc này có cần thiết ban hành Luật Năng lượng tái tạo hay không từ đó làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển tiềm năng, lợi thế điện mặt trời, điện gió ở nước ta. “Nếu cần thiết thì đề nghị cần bắt tay ngay vào việc tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành chiến lược phát triển theo định hướng quy hoạch điện VIII đã thông qua” - ông Vân đặt vấn đề.

Về vấn đề có cần thiết ban hành Luật Năng lượng tái tạo hay không, TS Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu Biển và hải đảo (Tổng cục Biển và hải đảo) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc Quy hoạch điện VIII được phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.

Theo ông Toán, một trong những điểm đáng chú ý của Quy hoạch điện VIII đó là đã đề cập cụ thể đến phát triển điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà. Quy hoạch điện VIII cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Định hướng và phương án phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII cũng nêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà. Do đó cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Năng lượng tái tạo và các văn bản khác liên quan.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện chúng ta chưa có luật về năng lượng. Do đó, nên ban hành luật bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới đã có luật về năng lượng. Vấn đề năng lượng trong thời gian tới sẽ có rất nhiều thay đổi, nhất là lộ trình mà Việt Nam thực hiện COP 26, Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Theo ông Vy nên xây dựng Luật Năng lượng tái tạo để tạo khuôn khổ pháp lý cho phát triển điện gió, điện mặt trời, thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý thu hút các nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo.

Theo TS Phạm Cảnh Huy - Viện Kinh tế và quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện nay Việt Nam chưa ban hành Luật Năng lượng tái tạo và các quy định về khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo đã được hình thành và nằm rải rác tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Do đó, cần tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong quá trình hoàn thiện pháp luật để phát triển năng lượng tái tạo.

H.Vũ