Tội phạm mạng và cuộc chiến '2 trong 1'
Ngày 8/8, Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) công bố đã phối hợp với Afripol (cảnh sát hình sự châu Phi) thực hiện Chiến dịch Flash-Weka, bắt giữ 1.062 đối tượng liên quan đến hoạt động buôn người; phát hiện 2.731 người di cư bất hợp pháp và xác định danh tính 823 nạn nhân buôn người.
Chiến dịch này gồm 2 giai đoạn, diễn ra trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua tại 54 quốc gia, nhắm mục tiêu vào các mạng lưới tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động buôn người ở châu Phi. Tổng thư ký Interpol JUrgen Stock cho biết buôn bán người và buôn người di cư thường là một phần của chuỗi tội phạm lớn hơn và phức tạp hơn. Ngoài số đối tượng là nghi phạm tham gia trong các đường dây buôn người, cảnh sát còn tịch thu hơn 800 khối hàng hóa có nguồn gốc tội phạm, trong đó có nhiều súng ống, xe cộ....
Chiến dịch Flash-Weka đã phát hiện nạn buôn người lan rộng khắp Tây Phi. Trong số các nạn nhân được xác định danh tính, nhiều người đến từ châu Á, trong đó có Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka.
Đáng chú ý khi Interpol cho rằng mạng xã hội đã làm trầm trọng thêm khủng hoảng di cư khi rất nhiều thông tin sai lệch của những băng đảng buôn người được phát tán. Tính từ đầu năm đến nay, hơn 100 nghìn người di cư đã mạo hiểm vượt Địa Trung Hải để tìm đến châu Âu. Hơn 2.000 người đã thiệt mạng hoặc mất tích.
Các băng đảng buôn người hoạt động trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook và đặc biệt mạnh trên TikTok. Trong các video phát trên các mạng xã hội này, người di cư được thể hiện là đã đến các nước châu Âu, họ nói rằng họ đã tìm được việc.
Hãng truyền thông DW (Đức) mô tả: “Hành động vượt biên trái phép được các băng đảng buôn người tuyên truyền trên mạng xã hội như là những hành vi dũng cảm của những người đàn ông, trong nỗ lực chu cấp cho gia đình mình. Chúng lãng mạn hóa hành vi vượt biên trái phép, cả một số người di cư cũng vậy. Những người theo dõi các tài khoản mạng xã hội này được truyền cảm hứng và sự tin tưởng”. Những người vượt biên vào Liên minh châu Âu (EU) đã phải trả những số tiền lớn cho những kẻ buôn người.
Mạng xã hội ngày càng phổ biến khi mà gần 60% trong tổng số hơn 8 tỉ người trên toàn thế giới sử dụng. Từ đó “tội phạm mạng” xuất hiện, ẩn náu kĩ lưỡng nhưng lại hoạt động công khai với cái gọi là “rải thảm thông tin”. Ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chúng đã đưa rất nhiều người vào tròng.
Nói như chuyên gia Interpol thì không chỉ vây bắt tội phạm buôn người mà còn phải “lôi” được tội phạm mạng ra ánh sáng, vì đây chính là cuộc chiến “2 trong 1” hết sức nguy hiểm.