Giáo viên thiếu trầm trọng, sao vẫn khó tuyển dụng?
Nhiều địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều cấp học, nhưng việc tuyển dụng lại không dễ dàng.
Cả nước thiếu 118.253 giáo viên
Tình trạng thiếu giáo viên là vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục từ nhiều năm nay. Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo đang mất cấn đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như môn: tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Bộ GDĐT cũng nhận định, tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên cả nước còn thấp hơn so với quy định. Hiện nay, tại các địa phương còn thiếu nhiều giáo viên.
Những vùng có tỷ lệ thấp nhất cả nước như: Bậc mầm non có vùng miền núi phía Bắc tỷ lệ giáo viên/lớp thấp nhất cả nước với 1,6. Bậc tiểu học có vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp thấp nhất đạt 1,29. Bậc THCS có vùng Đông Nam Bộ tỷ lệ giáo viên 1,69 thầy cô/lớp...
Bộ GDĐT chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến việc số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu nhiều với năm học trước, là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ, tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên.
Cấp tiểu học, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước, tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên.
Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước, tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên.
Ngoài ra, năm học 2022 - 2023 toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc).
Bổ sung biên chế cho năm học 2023 - 2024
Bộ GDĐT cũng cho rằng, năm học qua, một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có chính sách đột phá thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp.
Tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Hầu hết các địa phương vướng mắc trước yêu cầu tinh giản 10% biên chế, khiến làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục..
Thống kê của Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho thấy, đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển dụng thêm hơn 17.000 giáo viên công lập. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được.
Dù thiếu giáo viên trầm trọng nhưng thực tế tại một số địa phương đang rơi vào thực trạng không thể tuyển dụng, nhất là vùng sâu vùng xa.
Tại hội nghị phát triển giáo dục Tây Nguyên do Bộ GDĐT tổ chức vào hồi tháng 3/2023, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho biết, địa phương này thiếu hơn 600 biên chế giáo viên cho các cấp học. Tuy nhiên năm vừa rồi Trung ương chỉ cho 115 chỉ tiêu, quá ít so với nhu cầu thực tế.
Còn theo lý giải nguyên nhân thiếu giáo viên của tỉnh Kon Tum, lãnh đạo địa phương này cho hay, ở khu vực thành phố có thể một lớp bố trí 40 em nhưng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc mỗi lớp chỉ có 10 - 20 em nên cần nhiều giáo viên.
Dù tỉnh Kon Tum thiếu giáo viên nhưng khi tuyển dụng 200 chỉ tiêu, chỉ có 20 - 30 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Nguyên nhân là do mức đãi ngộ đối với giáo viên quá thấp. Ngoài ra, nhiều người trúng tuyển sau đó tìm cách về miền xuôi hoặc nghỉ việc giữa chừng.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cho năm học mới, Bộ GDĐT cho biết, sẽ tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023 - 2024.
Bộ GDĐT yêu cầu, các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao bảo đảm số lượng và chất lượng (ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu); sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Bộ cũng lưu ý, các địa phương cần đặc biệt bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được Bộ GDĐT lưu ý trong hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024.
Theo đó, với yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc thực hiện quản lý, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trung học theo tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng GDĐT; tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc sở GD&ĐT; chuẩn nghề nghiệp giáo viên; chuẩn hiệu trưởng.
Rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu; nhất là giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Mĩ thuật, Âm nhạc đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình quy định.