Bí thư Thành ủy Hà Nội đối thoại với 6.500 đại biểu Mặt trận Tổ quốc các cấp
Ngày 9/8, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì đối thoại với MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Tham dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Trưởng các ban Đảng Thành ủy, lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố… Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đồng chủ trì hội nghị.
Tổng hợp 27 nội dung, 4 nhóm vấn đề lớn
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, để chuẩn bị cho hội nghị tiếp xúc, đối thoại, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các thành viên Hội đồng tư vấn và đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp. Kết quả tổng hợp có 27 nội dung thuộc 4 nhóm vấn đề lớn.
Đó là, các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh như, việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị; việc đảm bảo quyền lợi cho người dân tại các khu chung cư; công tác phòng cháy, chữa cháy; vấn đề thiếu trường lớp; công tác quản lý, vận hành các công viên, khu vui chơi công cộng; việc xử lý các dự án “treo”; vấn đề lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tiến độ thực hiện dự án các tuyến đường vành đai, đặc biệt là đường Vành đai 4… Các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền như việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vấn đề sửa đổi Luật Thủ đô, công cuộc phòng, chống tham nhũng, việc giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính...Các vấn đề về công tác cán bộ, thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao như việc công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch và xử lý cán bộ; việc cải cách tiền lương, chỉ tiêu biên chế cán bộ Mặt trận. Các vấn đề về công tác dân tộc, tôn giáo.
“Tại hội nghị, đại diện các tầng lớp nhân dân, cán bộ Mặt trận các cấp trực tiếp thể hiện mong muốn, nguyện vọng, các đề xuất cụ thể với Bí thư Thành ủy và lãnh đạo thành phố. Chúng tôi rất mong những ý kiến chính đáng sẽ được Bí thư Thành ủy quan tâm lắng nghe, giải đáp và chỉ đạo các giải pháp để giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp”, bà Nguyễn Lan Hương chia sẻ
Sông Hồng là trục chính của Hà Nội tương lai
Tại buổi đối thoại, 9 đại biểu MTTQ các cấp đã nêu các câu hỏi với nhiều vấn đề cụ thể và được lãnh đạo thành phố giải đáp từng vấn đề. Trả lời câu hỏi của Trưởng ban Tổ chức, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Hải về việc bố trí biên chế và cơ chế tăng lương để “giữ chân” cán bộ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo khẳng định, sẽ bố trí đủ biên chế theo vị trí việc làm của MTTQ nhưng tinh thần là không tăng biên chế mà tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc. Còn đối với vấn đề tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức thì phải thực hiện theo lộ trình của Trung ương. Ngoài ra, hiện nay, thành phố đang triển khai xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó sẽ đề xuất cơ chế đặc thù về tiền lương.
Trả lời câu hỏi của ông Phạm Chí Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm về việc khi nào Hà Nội có quy hoạch về phát triển hai bờ sông Hồng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, UBND thành phố đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Đây là cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và xác định các dự án đầu tư trong khu vực. Trước đây, Hà Nội phát triển đô thị còn quay lưng lại sông Hồng nhưng theo điều chỉnh quy hoạch và Quy hoạch tổng thể thành phố đang xây dựng, Hà Nội sẽ phát triển đô thị hướng ra sông Hồng. Sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan chính đi giữa trung tâm thành phố.
“Sông Hồng mặc dù đã có quy hoạch, nhưng vẫn cần các địa phương triển khai rà soát theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là khoanh vùng hành lang thoát lũ; đồng thời, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi, chống lấn chiếm vi phạm...”, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho hay.
Còn ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị, thành phố có giải pháp tập trung xử lý các dự án “treo”, vì còn để kéo dài còn gây nhiều hệ lụy, nhất là gây bức xúc trong nhân dân. Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, qua rà soát, thống kê trên địa bàn từ năm 2012 đến nay, toàn thành phố có 712 dự án vốn ngoài ngân sách Nhà nước có sử dụng đất chậm triển khai, nói cách khác là các dự án “treo”. Thành ủy đã có kết luận, nghị quyết chỉ đạo, HĐND thành phố có nghị quyết giao nhiệm vụ cho UBND thành phố xử lý quyết liệt đối với các dự án này. Theo lộ trình, dự kiến tháng 11 tới đây, thành phố sẽ xử lý dứt điểm toàn bộ số dự án này. Với các chủ đầu tư không tuân thủ, thành phố sẽ kiên quyết xử lý, cần thiết sẽ rút giấy phép.
Trong khuôn khổ hội nghị đối thoại, các ý kiến của cán bộ MTTQ các cấp, đại diện tổ chức tôn giáo cũng đã được lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành giải đáp một cách khoa học, bài bản và có chiều sâu.
Phát biểu hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, tiếp thu, đánh giá cao và cảm ơn các ý kiến đóng góp xây dựng Thủ đô rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đặc biệt là những giải pháp phát huy vai trò của hệ thống MTTQ các cấp trong phát huy, xây dựng khối đại đoàn kết nhân dân Thủ đô, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Thông qua buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn thành phố nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của MTTQ. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là phải lắng nghe nhân dân để điều chỉnh chính sách... Mọi hành động và việc làm đều hướng tới vì lợi ích chính đáng của nhân dân, dựa vào nhân dân để triển khai các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội, để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Có như vậy mới có được sự đồng thuận của nhân dân và có sự đồng thuận, có hợp lòng dân thì mới thành công.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tin tưởng và mong muốn, MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tiếp tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng, với chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội tặng Bằng khen cho 20 cá nhân tiêu biểu vì có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, vận động thực hiện dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô và Đợt thi đua cao điểm kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và có thành tích xuất sắc trong tham gia góp ý vào Luật Đất đai và hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô.