Ngày mai, 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản hầu tòa
"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản hầu tòa về tội "Lừa dối khách hàng" liên quan đến Dự án CT6 Kiến Hưng của Công ty Bemes.
Ngày mai (10/8), TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm, xét xử ông Lê Thanh Thản (73 tuổi, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Bemes kiêm Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) về tội "Lừa dối khách hàng".
Cùng hầu tòa với ông Thản có các bị cáo: Đỗ Văn Hưng (nguyên Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội); Nguyễn Duy Uyển (nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng); Bùi Văn Bằng (nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng); Nguyễn Văn Năm (nguyên Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông); Vương Đăng Quân (nguyên Phó Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông) và Mai Quang Bài (nguyên cán bộ Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông).
Các bị cáo này bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999.
Theo hồ sơ bản cáo trạng, giai đoạn 2009 - 2012, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các dự án, Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư xây dựng. Đó là đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Dự án CT6 Kiến Hưng đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trên diện tích đất do Công ty Bemes quản lý sử dụng khi sát nhập vào Hà Nội.
Tuy nhiên, sau khi mua lại Công ty Bemes, ông Thản với cương vị là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bemes đã chỉ đạo thi công vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng. Ông bị cáo buộc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và bán toàn bộ căn hộ được tạo lập trái pháp luật, thu lời bất chính.
Từ tháng 5/2011, ông Lê Thanh Thản chỉ đạo quảng cáo, đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án. Các căn hộ được bán với giá rẻ hơn dự án khác nên Công ty Bemes đã bán hết sau thời gian ngắn. Tổng cộng, ông Thản đã bán 488 căn hộ khi không được công nhận quyền sử dụng đất và thu lời bất chính hơn 480 tỷ đồng.
VKS cho biết, ông Thản khai do nóng vội nắm bắt cơ hội kinh doanh nên chưa kịp hoàn thiện các thủ tục hành chính trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. Ông có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả của vụ án theo 3 phương án. Một là chấp nhận xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Hai là tự thỏa thuận với người mua nhà tại CT6C để di dời sang dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5 (cũng do ông Thản làm chủ). Ba là tự thỏa thuận với cư dân CT6C để mua lại căn hộ hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ.
Quá trình điều tra, ông Thản lựa chọn phương án thỏa thuận với khách hàng để trả lại tiền hoặc mua lại nhà sau đó tự phá dỡ phần sai phạm.
Tuy nhiên đến nay, Công ty Bemes chưa thỏa thuận được với khách hàng nên ông Thản đã đề nghị ngân hàng bảo lãnh 530 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Đối với nhóm bị cáo là cựu cán bộ phường Kiến Hưng và Thanh tra xây dựng quận Hà Đông, VKS cho rằng, trong suốt quá trình Công ty Bemes thi công xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng sai quy hoạch, nhiều các cán bộ của UBND phường Kiến Hưng và Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông đã không thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm để ngăn chặn, xử lý đối với các sai phạm tại công trình xây dựng dự án này theo quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Chân dung “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản
Ông Lê Thanh Thản (73 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất, xuất nhập khẩu Bemes (Công ty Bemes), Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, thường được gọi với cái tên "đại gia điếu cày".
Vị doanh nhân gốc Nghệ An này có trình độ học vấn tốt nghiệp cấp ba rồi ra trận với vai trò chiến sĩ thông tin trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông được làm Phó chánh văn phòng ở Lai Châu. Thời gian đầu chuyển từ công chức sang kinh doanh, ông Thản lập nghiệp bằng nghề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền núi (công ty tư nhân đầu tiên thành lập năm 1987).
Đến đầu những năm 1990, ông Thản thành lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu (sau đổi thành Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu và nay là Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên), có trụ sở tại Điện Biên.
Sau ngày thành lập, doanh nghiệp tư nhân của ông Thản mở rộng thị trường xây dựng ở nhiều tỉnh khác trong nước và cả Lào. Năm 1997, khách sạn đầu tiên mang thương hiệu Mường Thanh được thành lập tại TP Điện Biên. Từ đó đến nay, hàng loạt khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt xuất hiện trên khắp các tỉnh thành cả nước. Tên tuổi của ông Thản gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thương hiệu Mường Thanh.
Bên cạnh việc kinh doanh chuỗi khách sạn Mường Thanh, ông Thản còn nổi danh trên thương trường với hàng loạt dự án căn hộ giá rẻ. Xác định chiến lược kinh doanh mua rẻ - bán rẻ”, “đại gia điếu cày” cho ra đời hàng loạt các dự án nhà giá rẻ tại Hà Nội như khu đô thị Xa La (Hà Đông), Linh Đàm (Hoàng Mai), Kim Văn Kim Lũ (Hoàng Mai), Đại Thanh (Thanh Trì),...
Tháng 10/2012, Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh được đăng ký kinh doanh lần đầu với vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Tính đến 2015, Công ty Tập đoàn Mường Thanh đều thuộc sở hữu của gia đình ông Lê Thanh Thản. Trong đó ông Lê Thanh Thản nắm 70%, bà Lê Thị Hoàng Yến, con gái của ông Lê Thanh Thản nắm giữ 20% và ông Đỗ Trung Kiên (chồng bà Yến) nắm giữ 10%.