Cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp

H.Hương-P.Vân 10/08/2023 05:56

Không chỉ tìm kiếm đơn hàng mà cộng đồng doanh nghiệp còn chờ đợi một môi trường kinh doanh thuận lợi với sự ổn định về chính sách, nhất là các chính sách về thuế, phí…

Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp cần được tiếp sức.

Xoay xở trong dòng xoáy khó khăn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, các doanh nghiệp (DN) đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn”.

Khi nhìn vào bức tranh cộng đồng DN 7 tháng đầu năm cũng thấy rằng, còn không ít gam trầm. Chỉ tính riêng trong tháng 7, có 6.884 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,9% so với tháng trước và tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.257 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, có 1.581 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung 7 tháng năm 2023, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 66,8 nghìn DN, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; 36 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,9%; 10,4 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%. Bình quân một tháng có 16,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Nói về những khó khăn mà cộng đồng DN đang phải đối mặt, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng trong bối cảnh khó khăn xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh. Bên cạnh đó còn do tác động từ thiên tai; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, mặc dù Thủ tướng và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo sâu sát nhưng trên thực tế những cải cách về môi trường kinh doanh bên trong chưa đủ để bù đắp khó khăn từ bên ngoài. Thậm chí, có những cải cách còn làm phát sinh nhiều rủi ro, chi phí hơn. Ông Cung cho biết, các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy “động chạm” đến nhiều lĩnh vực kinh tế, làm tăng chi phí tuân thủ. Điều này không chỉ gây bức xúc cho DN trong nước mà cả DN đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó TS Lê Xuân Nghĩa lại đề cập đến những khó khăn khi DN đang phải vay ngân hàng với lãi suất cao. Ví dụ: một DN đầu tư điện mặt trời đang vay vốn tại một ngân hàng lớn với mức lãi suất dù đã được giảm từ 17%/năm xuống dưới 15%/năm nhưng vẫn là quá cao, khiến DN phải vất vả để cân đối các chi phí tài chính.

Theo ông Nghĩa, vào giai đoạn khủng hoảng, nhiều quốc gia hỗ trợ DN bằng cách giảm hoặc lùi lại yêu cầu về tài sản thế chấp và chỉ giữ yêu cầu chứng minh khả năng trả nợ. Nhưng các DN Việt Nam vẫn đang bị yêu cầu tài sản thế chấp, có DN xuất khẩu thực phẩm sang châu Âu, doanh thu năm 2022 là 10 tỷ đồng, năm nay dự kiến đạt 20 tỷ đồng nhưng hạn mức tín dụng vẫn không thay đổi, vì ngân hàng thẩm định khoản vay dựa trên tài sản thế chấp và khả năng trả nợ.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của TS Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không hiệu quả về mặt quản lý nhà nước đã gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. 6 tháng đầu năm, tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường cao hơn trung bình các năm. Vốn đăng ký của DN sụt giảm cũng kéo giảm cơ hội việc làm của người lao động. Với tình hình đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần phải được thúc đẩy hơn nữa.

“Tôi cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang là yêu cầu cấp bách, cần được xem như một gói hỗ trợ thiết thực nhất cho DN. Và để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Chính phủ cần khôi phục chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; chỉ đạo liên tục, nhất quán việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, có việc sửa đổi các quy định pháp lý về điều kiện kinh doanh; giải quyết kịp thời, triệt để các bất cập, khó khăn của DN; đồng thời tăng cường giám sát, đánh giá độc lập về kết quả thay đổi, cải cách” - bà Thảo nói.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng, cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của DN. Trong đó, cần cải thiện tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho DN; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP... và nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN. Đặc biệt, đơn giản hóa thủ tục cấp C/O, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại.

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cộng đồng DN rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước để giúp DN hoàn tất các thủ tục hành chính về xây dựng nhà xưởng. Nhiều DN phản ánh, họ đang gặp khó khăn về thủ tục hành chính để mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ DN trong việc tuyển dụng và đào tạo nghề cho lao động theo đúng yêu cầu của DN trong hoạt động sản xuất. Kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và DN nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của DN trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp…

Nhiều ý kiến cho rằng cộng đồng DN tiếp tục phải đương đầu với những “cơn gió ngược”. Trong bối cảnh đó, cộng đồng DN chờ đợi một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn với sự ổn định về chính sách, nhất là các chính sách về thuế, phí… để DN an tâm sản xuất kinh doanh và thực hiện một cách bền vững hơn nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.

H.Hương-P.Vân