Tăng tốc phát triển điện mặt trời

Thanh Giang 10/08/2023 05:58

“Sắp tới thành phố sẽ triển khai điện mặt trời mái nhà cho các công sở nhưng không phải công sở nào cũng áp dụng, nhất là những công trình bảo tồn kiến trúc, những công trình ở vị trí quan trọng” - đó là chỉ đạo của ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM khi nói về kế hoạch phát triển điện mặt trời mái nhà ở công sở trên địa bàn thành phố.

Điện mặt trời áp mái đang được phát triển.

Tiềm năng phát triển và ứng dụng lớn

Ông Nguyễn Đức Huy - Công ty TNHH Vương Quốc Solar cho rằng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà mang lại nhiều hiệu quả; có thể giảm 1/2 hoặc giảm hiều hơn tiền điện hàng tháng, khi cúp điện vẫn có điện để sử dụng.

Tổng Công ty Điện lực TPHCM thông tin, tính đến hết năm 2022, thành phố mới có 14.151 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 355 MWp, chiếm khoảng 7% tổng công suất toàn hệ thống điện. Với sản lượng điện mặt trời mái nhà phát lên lưới năm 2021 đạt gần 300 triệu kWh, người dân và doanh nghiệp thu về khoảng 600 tỷ đồng.

Ông Ngô Hồng Y (Sở Công thương TPHCM) cho biết, thành phố là khu vực không có nguồn điện tại chỗ đủ lớn, nguồn chủ yếu từ các khu vực lân cận. Vì vậy, phát triển nguồn điện tại chỗ để cung cấp cho thành phố rất hiệu quả và phù hợp với sự phát triển chung. Theo đề án phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TPHCM năm 2030, giai đoạn 2026-2030, TPHCM sẽ lắp đặt khoảng 1.505 MWp, đạt 29,62% tổng tiềm năng điện mặt trời mái nhà, đáp ứng 13,60% nhu cầu công suất và 4,29% nhu cần tiêu thụ điện năng toàn thành phố. Tổng vốn đầu tư cần khoảng 26.012 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời mái nhà ở TPHCM rất lớn, có thể đạt khoảng 5.081 MWp. Trong đó, nhóm cơ quan hành chính chiếm 3,27%; nhóm sản xuất chiếm 31,28%; nhóm thương mại dịch vụ chiếm 3,1% và nhóm hộ gia đình chiếm 62,34%. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, sắp tới thành phố sẽ triển khai điện mặt trời mái nhà cho các công sở nhưng không phải công sở nào cũng áp dụng, nhất là những công trình bảo tồn kiến trúc, những công trình ở vị trí quan trọng. Đặc biệt, thành phố cân nhắc kỹ, không chỉ là an toàn kỹ thuật mà còn là mỹ quan.

Hướng tới phát triển bền vững

Ủng hộ phát triển điện mặt trời mái nhà ở công sở, trường học, TS Nguyễn Duy Khiêm (Trường Đại học Quy Nhơn) cho rằng, chủ trương này rất đúng đắn theo xu hướng phát triển. Lắp điện mặt trời mái nhà công sở về chuyên môn không lo gì vì rất hiệu quả. Lợi thế ở chỗ công sở tận dụng các mái nhà hiện có, phụ tải nhiều, giá điện ngày càng tăng. Đây là những địa điểm sử dụng phụ tải vào ban ngày, trong khi hệ thống điện mặt trời phát từ 6 giờ trở đi. Đặc biệt, phát theo cường độ bức xạ tăng lên, càng về trưa càng phát cao hơn. Trong khi đó nhu cầu sử dụng tại công sở, trường học cũng vậy, nhu cầu dùng điện lức trưa rất nhiều, như quạt, điều hòa...

“Lợi thế là vậy, thế nhưng vấn đề là chính sách, quy định và kinh phí ra sao, hỗ trợ như thế nào. Giao kinh phí hoặc đơn vị tự chủ kinh phí toàn bộ. Có lẽ cần phân định rõ đơn vị nào cần ưu tiên trước, đơn vị nào ưu tiên sau hoặc cho chủ trương để đơn vị tiết kiệm điện giúp phát triển nguồn điện” - ông Khiêm nói.

Về việc nhiều người băn khoăn đến việc xử lý tấm pin năng lượng khi hết hạn ra sao, ông Khiêm giải thích: Tấm pin năng lượng bao gồm: khung nhôm, kính cường lực, tấm màng mỏng nên hoàn toàn có thể tái chế được, thậm chí kính cường lực ở tấm năng lượng này rất tốt. Vì vậy, có thể yên tâm sẽ có phương án xử lý. Về mặt từ trường, hệ thống này hoạt động theo nguyên lý dòng điện một chiều do đó không ảnh hưởng gì, vì cũng giống như dòng điện đã và đang sử dụng trong gia đình.

“Thời gian qua, điện mặt trời mái nhà phát triển nhờ chính sách ưu đãi, suất đầu tư giảm... Tuy nhiên, nếu áp dụng chính sách tự sản tự tiêu thì việc triển khai ở các hộ gia đình có phần hạn chế vì họ không được bán phần điện dôi dư, thậm chí đầu tư rồi nhưng khả năng thu hồi vốn từ hệ thống này sẽ chậm. Thiết nghĩ cần có những điều chỉnh kịp thời để có thể phát triển bền vững nguồn điện này” - ông Khiêm nói.

Theo Bộ Công thương, trong Quy hoạch điện VIII mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Mục tiêu được đặt ra là 2.6000MW. Với quy mô này, không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mặt trời mái nhà vì chỉ cần khoáng 12,5% nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 1kWW trong năm 2030 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về điện mặt trời mái nhà cho cả kỳ quy hoạch (2021-2030).

Thanh Giang