Quảng Nam: Chính quyền nói gì về nhà thờ xây dựng trên đất lâm nghiệp?
Một cá nhân đã tổ chức xây dựng nhà thờ tộc họ hàng trăm m2 trên đất lâm nghiệp ở thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam khiến dư luận địa phương bàn tán xôn xao. Vậy chính quyền địa phương và chủ đầu tư nói gì?
Đó là khu nhà thờ tộc được một cá nhân xây dựng trong khuôn viên khoảng chừng 2ha, ngoài nhà thờ có 2 chòi nghỉ chân, khoảnh sân phía trước. Nơi này cũng được trồng một số cây xanh, xung quanh công trình được xây tường rào cao chừng 2m bao bọc, tọa lạc sát tuyến đường bê tông liên thôn.
Sáng 11/8, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại đây, qua trao đổi, bà V.Th.N. ở thôn Thọ Khương cho biết: “Nhà thờ này bắt đầu xây dựng vào năm 2021, lúc đầu họ xây tường rào, cải tạo mặt bằng từ đồi trồng cây keo. Đến năm 2022 họ đưa máy móc, nhân công đến xây dựng, rồi dần dần ngôi nhà thờ tộc hoàn thành các hạng mục, đến nay cơ bản đã xong. Thấy xây nhà thờ tộc này nên bà con bàn tán xôn xao, còn có giấy phép xây dựng có hay không thì tôi không được biết”.
Qua tìm hiểu được biết, chủ nhân khu nhà thờ là ông Phạm Văn Phong (51 tuổi), sống ở TP Hồ Chí Minh. Ông Phong là người con của họ Phạm ở thôn Thọ Khương đi làm ăn ở phương xa một thời gian khá lâu. Vài năm qua ông Phong trở về quê xây dựng nhà thờ tộc trên mảnh đất mà ông đã mua nhưng người dân không biết khu đất này đã được Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở hay chưa.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc với ông Phạm Văn Phong. Qua trao đổi ông Phong cho biết, ông mua hơn 6.000m2 đất của người dân để xây dựng nhà thờ tộc họ, trong đó có 300m2 đất ở nằm gần đường bê tông, nếu xây dựng trên phần đất này sẽ làm mất đi cảnh quan và không gian ở đây, cũng như sau này mở rộng đường sẽ bị ảnh hưởng đến công trình nên ông tự ý dời vị trí về phía sau.
Sau khi UBND huyện Núi Thành phát hiện, có hướng dẫn ông liên hệ Phòng Tài nguyên và môi trường (TNMT) của huyện để làm thủ tục chuyển sang đất ở để xây dựng nhà thờ. Tuy nhiên Phòng TNMT trả lời, khu vực này chuyển sang đất ở là không phù hợp. Tuy vậy ông cũng đã làm thủ tục điều chỉnh vị trí đất ở và nâng thêm 200m2 tương đương với diện tích nhà thờ chính đã xây dựng sai quy định nhưng chưa được giải quyết.
“Tôi vào TP Hồ Chí Minh kinh doanh đã lâu nên mong muốn về quê hương xây dựng nhà thờ báo hiếu với tổ tiên, ông bà, để có nơi thờ phụng chung của dòng họ. Tôi cũng muốn tạo điểm sinh hoạt cộng đồng cho bà con địa phương nên đã đầu tư kinh phí rất lớn để xây dựng công trình, mong sao UBND huyện tạo điều kiện giải quyết cho tôi được giữ lại nhà thờ”, ông Phong nói.
Trước sự việc này chính quyền địa phương nói gì? Bà Trần Thị Thanh Mỹ, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, ông Phong được phép xây dựng 300m2 đã quy hoạch là đất ở. Thế nhưng ông lại cho xây dựng công trình nằm trên đất lâm nghiệp với diện tích đo được là 500m2. Khi ông Phong xây dựng công trình, chính quyền địa phương có đến kiểm tra, giám sát 2 lần thì thấy lúc đầu ông xây dựng công trình trên diện tích đất đã cấp giấy quyền sử dụng đất. Thế nhưng sau đó ông Phong đã cho xây nhà thờ tộc ra ngoài phạm vi đất cho phép.
“Sau khi phát hiện sai phạm, tôi đã yêu cầu cán bộ địa chính viết kiểm điểm vì lý do kiểm tra sơ suất, đồng thời báo cáo lên UBND huyện Núi Thành. Vừa qua huyện cũng ban hành quyết định xử lý rồi. Còn việc khắc phục hậu quả như thế nào thì huyện sẽ họp và chỉ đạo để chúng tôi tiếp tục thực hiện bước tiếp theo”, bà Mỹ nói.
Được biết, ngày 6/7/2023, UBND huyện Núi Thành đã có Quyết định số 4738 về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với ông Phạm Văn Phong. Nội dung quyết định nêu rõ, ông Phong đã có hành vi chuyển đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép (diện tích 452,62m2) và hành vi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được Nhà nước có thẩm quyền cho phép (diện tích 59,62m2). UBND huyện Núi Thành buộc ông Phong khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Mặc dù vậy, đến nay đã quá thời hạn yêu cầu nhưng chủ nhân của công trình vẫn chưa có động thái khắc phục.
Liên quan đến ván đề này ông Nguyễn Chí Dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt hành chính và chỉ đạo cho Phòng TNMT huyện kiểm tra cụ thể để có biện pháp xử lý đúng theo quy định pháp luật”.
Còn ông Trần Đình Minh, Trưởng phòng TNMT huyện thông tin: “Việc xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp của ông Phong là sai. UBND huyện đã ban hành quyết định yêu cầu ông Phong trả lại lại hiện trạng ban đầu. Trong trường hợp không tháo dỡ thì địa phương báo cáo lại và thực hiện bước tiếp theo là cưỡng chế xử lý trở lại hiện trạng ban đầu”.