Giải pháp nào giúp ĐBSCL tháo gỡ khó khăn thiếu giáo viên trầm trọng
Chuẩn bị bước vào năm học 2023-2024, câu chuyện thiếu giáo viên vẫn đang khiến các địa phương ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy.
Có địa phương thiếu hơn 1.000 giáo viên
Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang, năm học 2022-2023, ngành giáo dục địa phương thiếu hơn 800 giáo viên (gồm cấp mầm non và THPT). Tuy nhiên, đến năm học 2023-2024, con số này tiếp tục tăng lên 1.196 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra nhiều nhất các môn: âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh và tin học.
“Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn giáo viên các cấp mầm non đến THCS có tăng lên so với trước. Công tác đào tạo giáo viên sư phạm của các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng kịp nhu cầu của các tỉnh thành trong cả nước, dẫn đến thiếu hụt nguồn giáo viên đáp ứng đủ trình độ theo quy định. Môn Anh văn, Tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3, môn Âm nhạc, Mỹ Thuật là môn học mới đối với cấp THPT trong chương trình GDPT 2018 .Tuy nhiên thiếu nguồn dự tuyển. Vì vậy, đia phương tuyển không đủ chỉ tiêu theo kế hoạch”, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng thông tin.
TP Cần Thơ cũng đang thiếu 688 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn thành phố xảy ra ở tất cả các cấp học, bậc học nhưng nhiều nhất là thiếu giáo viên ở cấp tiểu học. Lý giải về việc thiếu giáo viên, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết do năm học 2022-2023, một số quận, huyện chưa thực hiện tuyển dụng giáo viên. Các đơn vị đã thực hiện tuyển dụng nhưng số lượng người dự tuyển không đủ so với chỉ tiêu, dẫn đến tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc, nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế ở các trường trong thời gian tương đương với số lượng giáo viên tuyển được.
“Chế độ lương và phụ cấp đối với giáo viên hiện nay rất thấp, không đủ để trang trải cuộc sống. Bình quân mỗi giáo viên tốt nghiệp đại học nhận lương khoảng 4,2 triệu/tháng; thấp hơn nhiều so với mức chi tiêu hàng ngày; do đó, không tạo được động lực đối với sinh viên, không giúp sinh viên yên tâm công tác.
Việc thực hiện Chương trình mới có thêm một số môn học mới trong khi chưa có giáo viên được đào tạo theo môn học/nội dung chương trình, dẫn đến việc giáo viên cùng lúc giảng dạy nhiều nội dung, tạo thêm áp lực cho giáo viên. Chế độ đãi ngộ đối với giáo viên hiện nay còn thấp, chưa giúp giáo viên an tâm công tác.”, ông Trần Thanh Bình thông tin thêm về một số nguyên nhân thiếu giáo viên.
Tương tự, nhiều địa phương khác ở ĐBSCL cũng đang thiếu giáo viên cho năm học 2023-2024. Trong đó, qua thống kê, tỉnh Vĩnh Long thiếu hơn 400 giáo viên, tỉnh Đồng Tháp thiếu khoảng 850 giáo viên, tỉnh Cà Mau thiếu khoảng 600 giáo viên…
“Khi thiếu giáo viên nhà trường phải bố trí giáo viên dạy tăng giờ, tăng buổi hoặc sắp xếp học trái buổi để đảm bảo môn học… sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của giờ dạy, áp lực về thời gian đối với học sinh.”, ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau chia sẻ.
Nhiều giải pháp được đưa ra
Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, nhờ nhiều nổ lực của ngành giáo dục thời gian qua tình trạng thiếu giáo viên đang dần được khắc phục. Đối với bậc mầm non, năm 2021, HĐND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết Quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên các cơ sở mầm non công lập công tác tại các địa bàn khó tuyển dụng.
“Theo Nghị quyết này, giáo viên mới tuyền dụng được phân công công tác tại những địa bàn khó tuyển dụng được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng. Viên chức quản lý và giáo viên đang công tác tại những địa bàn khó tuyển dụng được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, hiện nay, số giáo viên mần non tuy còn thiếu nhưng không nhiều”, ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang chia sẻ.
Còn ở bậc học phổ thông, hiện tại, một trong những giải pháp trước mắt là cho phép các trường thực hiện thỉnh giảng, tăng giờ đứng lớp đối với các môn học đang thiếu. Tuy nhiên, về phương hướng lâu dài, ngành giáo dục các tỉnh đang phối hợp với các trường đại học liên kết trong việc đào tạo nguồn giáo viên, đặc biệt là ở các bộ môn đặc thù khó tuyển dụng.
Tại tỉnh Hậu Giang, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 về chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Những Giáo viên dạy các môn học này khi được tuyển mới hoặc chuyển về tỉnh công tác được hưởng 50 triệu đồng/người với cam kết làm việc tại đại phương ít nhất 5 năm.
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở đang và sẽ tiếp tục thực hiện việc tuyển dụng để bổ sung giáo viên; thực hiện tốt chế độ chính sách đối với giáo viên, nhất là chính sách tiền lương và các khoản hỗ trợ, khuyến khích khác để tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, cống hiến cho ngành, cho đơn vị.
Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các đơn vị thực hiện hợp đồng đối với giáo viên trong thời gian chờ tuyển dụng; phối hợp với UBND quận, huyện hướng dẫn các đơn vị hợp đồng giáo viên, giải quyết kịp thời tình trạng thiếu giáo viên tại các đơn vị thuộc UBND quận, huyện. Tiếp tục đầu tư kinh phí, trang bị các phương tiện, điều kiện làm việc cho đội ngũ nhà giáo theo hướng hiện đại hoá đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục. Phối hợp với các cơ sở đào tạo để đào tạo, bồi dưỡng giáo viêc. Phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu UBND thành phố đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cho hợp đồng giáo viên có trình độ Cao đẳng sư phạm đối với những môn học còn thiếu giáo viên trong thời gian chờ tuyển dụng.
“Để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở cũng đã có những ý kiến, kiến nghị, đề xuất với GD&ĐT phối. Cụ thể là đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ cho phép địa phương thực hiện hợp đồng giáo trình độ Cao đẳng sư phạm đối với cấp tiểu học, THCS trong thời gian chưa tuyển dụng được giáo viên có trình độ theo quy định.
Đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học đào tạo mã ngành đối với các môn tích hợp theo Chương trình GDPT 2018 (Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Sư phạm Tin học dạy cấp tiểu học). Bộ GD&ĐT tiếp tục có kế hoạch tổ chức các hội thảo, tập huấn, các hội nghị chuyên đề hỗ trợ chuyên môn cho các Sở GD&ĐT, đặc biệt là việc tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn chuyên sâu và hướng dẫn chi tiết về tổ chức thực hiện Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp”, ông Trần Thanh Bình thông tin thêm.
Ở Cà Mau Sở GD&ĐT tỉnh này đang tiếp tục thực hiện tuyển dụng giáo viên còn thiếu năm 2023-2024. Đồng thời tiếp tục thực hiện sắp xếp giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, hợp đồng hoặc thỉnh giảng giáo viên đối với các môn thiếu.
“Nhằm thu hút và tạo nguồn tuyển sinh ngành Sư phạm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, nhất là vấn đề tuyển dụng sinh viên khi ra trường và bồi hoàn chi phí đào tạo. Hơn nữa, khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu. Chính vì thế, Chính phủ cần điều chỉnh, bổ sung Nghị định 116 cụ thể hơn để địa phương thực hiện”, ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau thông tin.
Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết thêm, trong quá trình triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng, Sở còn gặp một số khó khăn như: nguồn ngân sách nhà nước bố trí hằng năm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức cho ngành còn hạn chế. Do đó Sở đã tham mưu UBND tỉnh ưu tiên nguồn kinh phí để thực hiện công tác đào tao, bồi dưỡng để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018.