Hoa tay làng nghề
Hơn 400 năm qua, người làng Phú Vinh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) luôn tự hào bởi nghề mây tre đan truyền thống. Không chỉ làm ra các sản phẩm hữu ích mà bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, những nghệ nhân nơi đây còn tạo ra các sản phẩm đạt đến độ tinh xảo, mang giá trị kinh tế cao.
Sáng tạo không kể tuổi tác
Bỏ ra 30 triệu đồng để sở hữu một chiếc lồng bàn là cái giá mà ít người nghĩ đến, nhưng không phải ai cũng có thể mua được. Chiếc lồng bàn đặc biệt của làng Phú Vinh được làm bằng chất liệu mây đan do vợ chồng nghệ nhân Trần Văn Khá (75 tuổi) và Nguyễn Thị Tiến (73 tuổi) cùng nhau thực hiện khiến nhiều người phải thán phục trước sức sáng tạo của những đôi bàn tay tài hoa.
Cuối tháng bảy, chúng tôi về làng Phú Vinh, hỏi đường tới nhà ông Khá. Thấy có khách đến, ông Khá dừng tay chuốt sợi mây, niềm nở đón chúng tôi vào nhà. Bên chén nước chè xanh, ông Khá cho biết ý tưởng làm lồng bàn của gia đình đã có từ năm 2001.
Như bao người khác trong làng, trước đây gia đình ông cũng kiếm sống bằng việc đan mây tre thành các sản phẩm như: cái đĩa, con thuyền, cái nan... theo đơn đặt hàng. Nhưng rồi ông Khá nhận ra nếu cứ làm các sản phẩm theo mẫu như vậy thì thật nhàm chán, nên vợ chồng ông đã đổi sang thử làm chiếc lồng bàn. Nói là làm và may mắn, 2 chiếc lồng bàn đầu tiên đã có khách mua ngay. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm mới này ngày càng được nhiều người đặt mua.
Sở dĩ chiếc lồng bàn được nhiều người săn đón đến vậy là bởi rất nhiều yếu tố tinh hoa được kết tinh trong đó, thể hiện qua hình thức, kiểu dáng, độ bền, trọng lượng... được người nghệ nhân dày công chăm chút qua nhiều khâu. Để hoàn thiện một chiếc lồng bàn phải mất từ 15 - 20 ngày, thành ra một tháng ông bà chỉ làm được 1 chiếc, hoặc cố gắng thì sẽ làm được 2 chiếc.
Để chọn được nguyên vật liệu đan lồng bàn, ông Khá phải lên chợ Nủa ở Thạch Thất (Hà Nội) để chọn mây. Mỗi lần đi mua thường mua khoảng 40kg rồi sau đó lọc ra chỉ chọn khoảng 8kg mây bánh tẻ đạt tiêu chuẩn. Mang được nguyên liệu chính về thì đến công đoạn lóc mây cho nhẵn, sau đó mới bắt đầu chẻ. Khi chẻ mây xong thì đem đi sấy cho khô, kiểm tra thấy trắng rồi phơi (nếu phơi lâu mây sẽ bị biến màu sang ố đỏ), sau khi phơi để xuống đất để mây hồi lại tự nhiên, khi nào làm bắt đầu đưa ra xử lý rồi đan dần.
Nếu như chiếc lồng bàn truyền thống được đan bằng những chiếc nan to thì ông bà sáng tạo theo cách đan bằng những sợi mây mỏng, mịn như tờ pơluya và nhỏ như sợi chỉ. Những chiếc đầu tiên được đan bằng 300 sợi nan dọc (công), về sau ông bà tiếp tục chỉnh sửa để sản phẩm tinh tế hơn, thành ra phải mất đến 1.200 công mới hoàn thành được nguyên liệu dùng làm một sản phẩm. Chỉ tính riêng làm chiếc núm lồng bàn đã mất 3 ngày, làm mâm mất 7 ngày và thêm 7 ngày đan khung.
Chiếc lồng bàn của gia đình ông bà còn được ví như chiếc màn tuyn bởi màu sắc trắng ngà của mây cùng độ nhẹ chỉ khoảng 300g. Lồng bàn được trang trí bằng nhiều họa tiết thủ công do chính tay bà Tiến bện từng sợi mây nhỏ tạo thành.
Bà Tiến tâm sự, số tiền bỏ ra để mua nguyên liệu thì không đáng là bao nhưng công sức làm việc mới đáng nhận đồng tiền từ khách hàng. Chưa tính đến công đan tỉ mỉ thì với mức giá 6 triệu đồng (năm 2003) và cho đến nay là 30 triệu đồng/1 chiếc lồng bàn thì người nghệ nhân cũng hoàn toàn xứng đáng nhận về khoản tiền tốt để bù đắp cho công sức của mình. Đổi lại khách hàng cũng sẽ nhận được sản phẩm xứng đáng với số tiền bỏ ra với tạo hình đẹp, độ bền lâu và thân thiện với môi trường.
Đôi bàn tay làm nên tất cả
Dù thu nhập từ sản phẩm khá tốt nhưng ông bà không bỏ chất lượng để chạy theo số lượng. Với vợ chồng nghệ nhân này, uy tín quan trọng hơn nhiều so với tiền bạc. Vì thế mà nhiều khách phải chờ từ 5 - 6 tháng mới có thể mua được sản phẩm.
Ông Khá kể, nghề mây tre đan của làng đã nuôi sống bao thế hệ người con sinh ra ở đây nên gia đình ông trân trọng nghề lắm. Năm 1969, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông lập gia đình và bắt đầu làm mây tre đan cùng vợ. Mặc dù đôi bàn tay có ngón bị thương tật sau cuộc chiến nhưng không thể ngăn cản tình yêu của ông với nghề.
“Với chiếc lồng bàn này tôi đảm nhận trách nhiệm làm nguyên liệu còn vợ tôi sẽ phụ trách đan. Hễ mà có sợi mây không đúng kích thước là vợ tôi sẽ bảo tôi làm lại ngay, bao giờ chuẩn thì thôi. Tôi cũng vui vẻ chuốt lại theo ý vợ”, ông Khá nói và kể thêm về vợ: “Khi mới 6 tuổi vợ tôi đã bắt đầu học đan mây, cho đến bây giờ cũng đã hơn 60 năm vì thế mà tốc độ đan của vợ tôi nhanh gấp 2,3 lần so với những người cùng làng. Có khi bà ấy vừa xem tivi vừa đan mà vẫn rất chuẩn xác”.
Nhìn đôi bàn tay với những đầu ngón tay đã mòn đi vì nghề có thể thấy cả một tình yêu của ông bà Khá - Tiến với nghề truyền thống.
Dù luôn tay bện họa tiết song bà Tiến vẫn “bắt sóng” được câu chuyện của chúng tôi. Vừa nhắc đến tài nghệ của bà, bà Tiến liền chêm vào, vui vẻ nói: “Mặc dù ông trời không cho tôi bông hoa tay nào nhưng làm mãi thì quen tay. Làm vài lần rồi rút được kinh nghiệm, sau sẽ đẹp thôi. Còn nghề thì nó đã gắn với tôi cả đời, tôi coi đó như là trách nhiệm và cũng là tình yêu”.
Công việc làm mây tre đan dù lâu công, tỉ mẩn nhưng theo bà Tiến, gia đình bà nhận được nhiều hơn. Với nghề này ông bà đã nuôi nấng 5 người con trưởng thành. Thêm vào đó, với những sáng tạo không ngần ngại khi tuổi đã cao đã giúp ông bà có cơ hội được đi giao lưu, biểu diễn tay nghề mây tre đan ở các hội chợ trong và ngoài nước.
Bà Tiến chia sẻ, từ năm 2012 đến năm 2014, ông bà được mời ra nước ngoài giao lưu. Tại một hội chợ ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), mỗi khi vợ chồng bà “chuốt sợi như kéo đàn, đan nan mà như múa” là những người xung quanh lại túm lại xem. Còn ở Việt Nam, vào năm 2020, sản phẩm lồng bàn được đan bằng mây của ông bà làm đã giành giải Nhất tại Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Đây như một bước đệm khích lệ tinh thần với hai ông bà.
Sau khi đạt giải, đơn đặt hàng với gia đình ông bà ngày càng nhiều hơn nhưng đến hiện tại mỗi tháng gia đình cũng chỉ làm được 1 - 2 chiếc. Mặc dù thu nhập khá tốt nhưng trong gia đình ông bà các con lại không có ai theo nghề. Ông Khá trăn trở: “Học nghề này không phải là học 1-2 năm mà phải học cho tới khi thạo nghề mới có thể kiếm ăn. Có khi phải học cả đời và yêu nghề thì mới có thể sống được với nghề. Gia đình tôi đông con cháu nhưng không ai theo nghề này. Ở làng cũng nhiều người đến học nhưng chưa ai đan được”.
Ở tuổi U70 dù mắt đã kém hơn nhưng ông bà Khá - Tiến hàng ngày vẫn cặm cụi, chăm chỉ, tay vẫn miệt mài chuốt, đan từng sợi mây, tre để làm ra những sản phẩm có ý nghĩa. Trong tương lai, bà Tiến dự định sẽ làm thêm sản phẩm tráp cưới tương tự như cách làm lồng bàn để làm phong phú thêm các món đồ từ mây tre.
Còn ông Khá thì mong muốn các sản phẩm của gia đình sau này sẽ có cơ hội được trưng bày tại bảo tàng để lưu giữ tinh hoa của làng nghề mây tre đan Phú Vinh cho nhiều thế hệ sau có cơ hội được biết đến.