Liên kết vùng để phát huy thế mạnh nông nghiệp

H.Hương – M.Sang 11/08/2023 09:00

Với đặc điểm nền kinh tế sản xuất còn nhỏ lẻ, các vùng trồng cần có những điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế để phát huy thế mạnh nông nghiệp.

Mô hình trồng rau thủy canh. Ảnh: Quang Vinh.

Thoát khỏi cách làm cũ

Thời gian qua, thông qua các hội nghị kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành mà nhiều mặt hàng nông sản đã được tiêu thụ mạnh. Chính nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ cũng đã đưa ra cam kết tiêu thụ hàng hóa cho địa phương.

Đại diện Tập đoàn Central Retail cho hay, thông qua hoạt động kết nối giao thương liên kết giữa các vùng, hệ thống siêu thị Big C đã ký kết nhiều thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm nông sản và các mặt hàng thuộc nhóm tiêu dùng nhanh. Qua đó hỗ trợ DN các tỉnh Hà Nam, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị.

Nhằm hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, ngành Công thương đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đến nay, tính liên kết vùng ở đây mới chỉ tập trung chủ yếu ở các dự án hạ tầng giao thông. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa DN các địa phương còn chưa được triển khai sâu rộng, dẫn tới sự hạn chế giữa vùng nguyên liệu và vùng sản xuất, tiêu thụ.

Ngoài ra, các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương chưa được triển khai mạnh nên chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng. Bên cạnh đó giữa một số địa phương không gian và địa bàn hoạt động liên kết còn mang tính tự phát…

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam cho biết, thời gian qua, liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Kinh tế - xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Các vùng trên cả nước thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Do đó, theo ông Thịnh, điều cần làm trong thời gian tới là phải bứt phá khỏi cách làm cũ, nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau.

Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

Cần thêm hỗ trợ

Từ phía DN, được kỳ vọng là đầu tàu dẫn dắt nông dân trong bài toán tiếp cận thị trường, liên kết vùng, song bản thân các DN cho rằng rất khó hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm vì nhiều sản phẩm không đạt điều kiện. Theo phản ánh của một số DN, có nhà sản xuất nói đã đạt chứng nhận VietGAP nhưng khi kiểm tra còn nhiều điều kiện chưa đạt chứ chưa nói tới chứng nhận cao hơn là hữu cơ.

Ở góc độ người sản xuất, ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc HTX Nông trại xanh Ba Vì (Hà Nội) cho rằng: Liên kết mà đẩy cái khó khăn cuối cùng về người nông dân là không tạo ra được “sân chơi” và giá trị thực thụ cho chủ thể liên kết”. Theo ông Hùng, đáng lẽ các DN phân phối phải là bên “đặt hàng” cho nông dân sản xuất gì, bán cho ai, tiêu chuẩn ra sao, mẫu mã bao bì thế nào. Song thực tế, nông dân vẫn phải tự bơi. “Chúng tôi là nhà sản xuất rất muốn được là mắt xích liên kết vùng nhưng chưa có cơ hội giao lưu là những chủ thể đầu ra, chưa biết phải tìm đến ai, cơ quan quản lý nào để tiếp cận thông tin, chuyển hướng sản xuất theo yêu cầu nhà bán buôn” - ông Hùng nói.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, từ khi thành lập công ty đã hướng tới xuất khẩu nông sản đi nhiều nước trên thế giới. Năm 2012, DN quay về Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị, làm việc trực tiếp với bà con nông dân Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn. Hiện, DN đang liên kết với 3.000 bà con nông dân.

Bà Huyền cho hay, lúc đầu xây dựng liên kết vùng gặp rất nhiều khó khăn, đó là sự tin tưởng của người dân. Người dân không tin, sợ DN đưa ra giá thấp. DN mất khoảng 3 năm để thuyết phục người dân, đào tạo cho các hộ nông dân sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

“Hiện Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển liên kết vùng, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ. Song, DN tiếp cận còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là chưa tiếp cận được. Vì vậy, rất mong cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ DN tiếp cận các ưu đãi trên, cắt giảm thủ tục hành chính; nhất là về tiếp cận nguồn tín dụng xanh, lãi suất ưu đãi...” - bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) đề xuất.

H.Hương – M.Sang