Mặt trận

Giám sát đúng đối tượng, tránh chồng chéo, lãng phí

Anh Vũ (thực hiện) 26/08/2023 07:00

Qua triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719) đã tạo động lực nâng cao đời sống người dân tại những vùng còn khó khăn.

ông Giàng Seo Vần.

PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Giàng Seo Vần - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai xung quanh việc MTTQ các cấp tham gia giám sát Chương trình này.

PV: Thưa ông, Chương trình 1719 đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Đến thời điểm này, ông có thể cho biết MTTQ tỉnh Lào Cai đã phát huy vai trò giám sát của mình như thế nào?

Ông Giàng Seo Vần: Nhiều năm qua, hệ thống Mặt trận các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch giám sát, tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Trong đó, hoạt động giám sát các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào DTTS trong những năm qua là một trong những nội dung được MTTQ các cấp quan tâm triển khai, đã thu được một số kết quả tích cực.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai đã xây dựng kế hoạch giám sát tổng thể Chương trình 1719 và tổ chức giám sát trực tiếp tại một số huyện trọng điểm. Cụ thể năm 2022, đã triển khai giám sát tổng thể Chương trình tại huyện Si Ma Cai; năm 2023 giám sát tại huyện Bảo Yên và thị xã Sa Pa. Riêng trong năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện đối với 2 dự án trong Chương trình, đó là: Giám sát việc thực hiện giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (Dự án 1) tại huyện Bắc Hà và Giám sát việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết (Dự án 2) tại huyện Văn Bàn, Bảo Yên…

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng chỉ đạo MTTQ các cấp xây dựng kế hoạch nội dung giám sát, trong đó tập trung chủ yếu vào giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện; việc xác định đối tượng thụ hưởng, giám sát, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện Chương trình; giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các công trình, dự án tại cơ sở.

Qua công tác triển khai giám sát, ông có thể cho nhận định bước đầu về hiệu quả Chương trình 1719?

- Những năm qua, Lào Cai chủ động triển khai, sớm ban hành các cơ chế, chính sách văn bản quy định quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh theo quy định của Trung ương, đánh giá kết quả năm 2022 có 25/29 chỉ tiêu thực hiện Chương trình đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Cá biệt có một số mục tiêu vượt cao so với kế hoạch như: Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 là 7%, vượt 1% so kế hoạch Trung ương giao; 4 xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn; Tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%, vượt 2,7 % so với kế hoạch...

Trong quá trình thực hiện Chương trình tỉnh Lào Cai đã gặp những khó khăn vướng mắc gì, thưa ông?

- Nhiều chính sách hiện nay không còn được áp dụng ổn định, việc xác định đối tượng thụ hưởng dựa vào phân định khu vực theo trình độ phát triển… khiến việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở địa phương gặp khó khăn trong việc đảm bảo các mục tiêu về giáo dục - đào tạo, y tế, đời sống kinh tế, bảo vệ, phát triển rừng, thu hút đội ngũ công chức, viên chức tâm huyết, yên tâm công tác… đối với vùng đồng bào DTTS, vùng cao, biên giới.

Đơn cử như nội dung 1, khó thực hiện, thực tế hầu như không có doanh nghiệp, hợp tác xã đáp ứng được điều kiện.

Theo ông, công tác giám sát Chương trình 1719 trong thời gian tới cần có những đổi mới thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

- Để công tác giám sát đạt hiệu quả cao nhất, yêu cầu đặt ra là MTTQ các cấp cần nắm chắc nội dung chương trình, dự án triển khai trên địa bàn để chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện giám sát ngay từ khi bắt đầu triển khai. Việc lựa chọn nội dung giám sát phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và tiến độ đầu tư; phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong giám sát thực hiện chương trình; tổ chức tập huấn kỹ năng giám sát cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, đặc biệt là thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, trang bị kiến thức cho các thành viên để giám sát hiệu quả Chương trình.

Bên cạnh đó cần tăng cường phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh giám sát các nội dung liên quan đến dự án phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, đảm bảo đúng đối tượng, đúng nội dung, tránh chồng chéo, lãng phí.

Trân trọng cảm ơn ông!

Anh Vũ (thực hiện)