Sao cho vẹn cả đôi đường

Nam Việt 11/08/2023 07:00

Bộ Giao thông vận tải vừa có báo cáo Chính phủ về đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện. Bên cạnh ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, phí, lệ phí trước bạ còn đề nghị trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua xe ô tô điện để chuyển dịch từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện khoảng 1.000 USD/xe. Vậy, nên nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Nhìn chung, người có ý định mua ô tô điện thì mừng. Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện, kể cả doanh nghiệp nhập khẩu cũng mừng. Nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn tuy rằng vẫn biết bảo vệ môi trường là việc hệ trọng.

Trong số những người băn khoăn, đáng chú ý là ý kiến của tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông. Câu hỏi đặt ra là lý do tại sao Nhà nước phải trợ giá 1000 USD cho các xe chạy điện? Vì rằng khi chúng ta sản xuất ra điện (trong trường hợp này là điện dùng cho ô tô điện) thì không phát thải ra khí CO2 hay các khí thải độc hại khác ở nguồn phát điện. Trước khi nói việc chuyển đổi mạnh mẽ từ xe xăng sang xe điện thì cần nói rõ nguồn điện lấy từ đâu. Những ngày hè vừa qua, nhiều nơi trên cả nước đã lâm vào tình trạng thiếu điện. Nếu hàng triệu xe chuyển từ chạy xăng sang chạy điện, thì phụ tải điện lớn như vậy, làm sao ngành năng lượng đáp ứng được.

“Hiện 40% sản lượng điện ở nước ta vẫn từ nhiệt điện (đốt than hoặc đốt dầu). Chúng ta dùng năng lượng điện đó phục vụ xe chạy điện, như vậy xe điện sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch thì có thực sự sạch hay không?” - TS Bình đặt vấn đề và nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi là chỉ nên ưu tiên cho xe buýt, và không nên phân biệt giữa phương tiện chạy xăng và chạy điện”.

Thực tế thì trên thế giới nhiều quốc gia khuyến khích, ưu đãi đối với ô tô điện. Ước tính của Liên minh châu Âu (EU), lĩnh vực giao thông vận tải tạo ra khoảng 30% lượng phát thải nhà kính, trong đó khoảng 72% là vận tải đường bộ. Để các thành phố phát triển bền vững thì nhu cầu về phương tiện giao thông bền vững an toàn, đáng tin cậy và giá cả phải chăng là điều cần thiết. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng sang một xã hội không carbon đòi hỏi phải có chiến lược đầu tư cho công nghệ tiên tiến. Vì thế, với xe chạy bằng nhiên liệu sẽ phải chịu thuế môi trường cao. Để tăng cường các phương tiện di chuyển bằng điện nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách cụ thể, như hệ thống xe công từ 70 đến 80% là ô tô điện, giảm thuế đăng kí xe, khuyến khích lắp đặt cơ sở hạ tầng trạm sạc và lưới điện công cộng, lắp đặt các trạm sạc nhanh (thời gian sạc khoảng 1 giờ).

Một nghiên cứu chỉ ra rằng doanh số bán xe điện có sự tương quan chặt chẽ giữa các trạm sạc điện công cộng. Nếu ít trạm sạc điện thì người mua xe sẽ ít vì bất tiện. Vì thế, nhiều quốc gia đã ưu tiên xây dựng các trạm sạc trước khi phát triển ô tô điện. Ví dụ: Nếu như năm 2013 Tây Ban Nha có 400 trạm sạc điện thì đến nay con số đó là 7.576 trạm sạc thông thường và 1.244 trạm sạc nhanh. Tại Mỹ, chỉ riêng tiểu bang Califonia đã có 20.653 trạm sạc điện công cộng.

Nhìn chung, để giảm khí thải carbon, ô tô điện chỉ là một trong những giải pháp vì còn phải tính đến nguồn năng lượng xanh, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời.

Việt Nam là quốc gia ưu thế về điện gió, điện mặt trời nhưng tới nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Mới đây nhất, Bộ Công thương đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất giải pháp xử lý kinh tế đối với 14 dự án điện mặt trời đang được hưởng cơ chế giá khuyến khích (FIT) không đúng theo quy định. Tổng số tiền mà EVN thanh toán do việc áp sai giá này là hơn 1.480 tỷ đồng.

Còn theo các doanh nghiệp sản xuất điện gió, điện mặt trời, họ vướng nhiều nút thắt. Đặc biệt là bất cập trong cơ chế giá khiến nhiều dự án đối diện khó khăn rất lớn. Hồi tháng 3/2023, có tới 36 nhà đầu tư điện sạch đã cùng ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong cơ chế giá phát điện với điện gió, điện mặt trời làm cho 34 nhà máy điện đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN. Cụ thể, 6 nhà máy điện mặt trời đã nằm chờ cơ chế hơn 26 tháng, và 28 nhà máy điện gió phải nằm chờ cơ chế khoảng 16 tháng.

Tổng vốn đầu tư 34 dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không bán được điện lên hệ thống điện quốc gia theo tính toán của các nhà đầu tư lên tới 85.000 tỷ đồng, trong đó có 58.000 tỷ đồng là vốn vay ngân hàng. Các nhà đầu tư phải đối mặt với nguy cơ vỡ phương án tài chính dự án, nợ xấu doanh nghiệp gia tăng, ngân hàng khó thu hồi vốn.

Khuyến khích ô tô điện là tốt, nhưng trước hết cần quan tâm tới “cái gốc” sản xuất ra điện sạch, đó là điện gió và điện mặt trời. Có như vậy mới “vẹn cả đôi đường”, mới thực sự phát triển bền vững.

Nam Việt