Hà Nội: Phát động toàn dân cung cấp thông tin phản ánh về vi phạm giao thông
Sáng 11/8, tại trụ sở Công an TP, UBND TP Hà Nội, Bộ Công an tổ chức ra quân phát động toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Phản ánh các hành vi vi phạm giao thông đến đường giây nóng
Sáng 11/8, Công an thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Hội nghị được triển khai trực tuyến từ điểm cầu Công an thành phố đến Công an 30 quận, huyện, thị xã.
Đến dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, nằm trong kế hoạch phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, Công an thành phố đề nghị người dân chủ động, tích cực cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua trang Zalo: Phòng CSGT CATP Hà Nội hoặc số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451.
Theo đó, nội dung phản ánh tập trung vào các hành vi vi phạm như: Xe ô tô chở quá số người quy định; xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; xe ô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc…
Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh phải đảm bảo tính kịp thời, đúng hành vi vi phạm và đúng quy định pháp luật. Thông tin cung cấp của nhân dân được đảm bảo, bí mật về danh tính. "Công an TP Hà Nội rất mong nhận được sự đồng hành của quần chúng Nhân dân", Giám đốc Công an TP Hà Nội nói.
Nhiều tồn tại chưa được xử lý triệt để
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố trong thời gian qua.
Theo Chủ tịch TP Hà Nội nhận định, bên cạnh những thành tích, cần khắc phục tình hình an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, xe đón trả khách trái quy định, xe tải chở quá tải, ô tô đi vào đường cấm, ngược chiều. Đây là tồn tại chưa được xử lý triệt để, mặc dù lực lượng chức năng quyết liệt. Vì vậy, cần phát động phong trào toàn dân phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh vi phạm bởi ngoài việc dè chừng hệ thống camera, người thực thi công vụ thì người vi phạm còn dè chừng bị người dân phát hiện, tố giác…
“Công an thành phố cần phát huy vai trò, chỉ đạo xử lý nghiêm, thông báo kết quả xử lý công khai, tạo hiệu ứng răn đe. Ngoài tích cực tuyên truyền, cần tham mưu khen thưởng để khích lệ kịp thời các điển hình trong phong trào. Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chỉ đạo thực hiện kế hoạch, xây dựng phong trào, triển khai ngay từ khu dân cư, tổ dân phố… Tất cả vì mục tiêu góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, cũng đánh giá cao sự quan tâm của TP Hà Nội đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Bằng những con số cụ thể, trước năm 2012 trên 10.000 tử vong vì TNGT. Năm 2022, hơn 6.700 người chết, hơn 10.000 bị thương. Mỗi năm kéo giảm khoảng 3.000 người chết và bị thương. Riêng địa bàn TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2023 giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Đó là những con số rất có ý nghĩa, nhân văn và nhân đạo.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, trên địa bàn Hà Nội, còn một bộ phận vẫn ngang nhiên vi phạm pháp luật về giao thông. Như vậy, nếu tranh thủ được tai mắt của nhân dân, thì chính người dân là chủ thể, là trung tâm, động lực, nguồn lực góp phần kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Công an thành phố sau 6 tháng triển khai phải sơ kết, đánh giá lại hiệu quả thực hiện phong trào. Trên cơ sở đó, nhân rộng mô hình, cách làm hay của Hà Nội đối với toàn quốc, để làm sao hạn chế dần các vi phạm giao thông, đặc biệt là các vi phạm là nguyên nhân gây những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân...