‘Thắp sáng’ kinh tế đêm
Phát triển kinh tế đêm có vai trò quan trọng và cần thiết cho việc thúc đẩy du lịch sau đại dịch nhưng thực tế còn nhiều rào cản. Để gỡ khó cho hoạt động này, mới đây, Bộ VHTTDL đã ban hành đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” nhằm tăng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú và tăng cường khả năng thu hút du khách của du lịch Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định: Thời cơ để phát triển kinh tế đêm đang đến rất nhanh, nếu chúng ta không nắm bắt được là mất cơ hội.
Biến đêm thành ngày
Là người kinh doanh dịch vụ homestay trong lòng phố cổ Hà Nội, chị Hoàng Mỹ Kim vui mừng đón nhận thông tin tới đây Thủ đô nằm trong danh sách thí điểm tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. “Nhiều du khách nước ngoài rất hào hứng khi đến du lịch Hà Nội, họ thích những căn phòng bày trí theo cách Hà Nội xưa cùng với ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhưng họ luôn than phiền khi đêm xuống những điểm vui chơi giải trí của thành phố thường đóng cửa rất sớm. Việc phát triển sản phẩm du lịch đêm sẽ tạo cơ hội cho các cơ sở lưu trú thu hút được nhiều du khách. Tôi hy vọng các nhà quản lý và đầu tư có những giải pháp đột phá để có những hoạt động hấp dẫn hút khách đến với Hà Nội”, chị Kim chia sẻ.
Không chỉ khách quốc tế, thiếu chỗ chơi đêm cũng là nỗi chán nản của du khách trong nước. Chị Phương Anh - một nhân viên ngân hàng chia sẻ, chị và các bạn học năm nào cũng tự tổ chức tới các điểm đến. Năm ngoái đi Nha Trang (Khánh Hòa). Tối đến cả nhóm đi hát, nhưng đúng 12 giờ là phải ra về để cơ sở đóng cửa. Còn tháng 7 vừa rồi đi Mộc Châu (Sơn La), ngoài thưởng thức ẩm thực, ngắm thiên nhiên hùng vĩ nơi đây thì buổi tối hầu như không có hoạt động gì. Trong khi đó nhóm bạn tới Hàn Quốc du lịch thì các hoạt động phong phú tới mức không có thời gian để ngủ.
Ở góc nhìn khác, anh Nguyễn An Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) – một người từng du lịch tới nhiều quốc gia chia sẻ: Nhu cầu giải trí về đêm là có thực ở nhiều quốc gia. Đây là nhu cầu chính đáng, đừng chần chừ nữa, chúng ta hãy dành thời gian để phát triển những điều mới hơn, lạ hơn, tốt hơn, như vậy đất nước mới có thể phát triển theo kịp các nước tiên tiến.
Có thể thấy, kinh tế đêm đang ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng khai thác và được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới. Hoạt động này góp phần làm nên sức sống của các đô thị, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Tuy vậy, có không ít thách thức rào cản là do mô hình kinh tế ban đêm còn khá mới mẻ và còn có nhận thức khác nhau nên cơ quan quản lý nhà nước cũng gặp những lúng túng trong việc quản lý các khu vực trung tâm, đô thị có hoạt động kinh tế đêm.
PGS.TS Trần Minh Chất (Học viện Cảnh sát nhân dân) lý giải: “Kinh tế đêm thu hút du lịch và thu được tiền của du khách. Người dân địa phương sẽ được tổ chức để làm dịch vụ, vì vậy chúng ta phải nghĩ ra những dịch vụ đó. Trong thực tiễn khi tạo ra được một hoạt động du lịch ban đêm hấp dẫn thì tiếng lành đồn xa, chúng ta sẽ thu hút được các nhà đầu tư, đó mới là lợi nhuận cao.
Bởi vậy, kinh tế đêm đảm bảo phải kích thích được sự tò mò và sáng tạo của doanh nghiệp, phải làm sao để doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cho kinh tế. Muốn làm được chúng ta phải lan tỏa để tất cả mọi người cùng biết. Lấy ví dụ từ câu chuyện của một ban nhạc xứ Hàn mới đây biểu diễn tại Hà Nội, tại sao nhiều bạn trẻ mua vé máy bay từ các tỉnh đến Hà Nội để xem, phải nói cách làm công nghiệp văn hóa của họ quá hay. Tôi nghĩ chúng ta có thể học hỏi”.
Với quan niệm kinh tế đêm đi liền với tệ nạn, ông Trần Minh Chất cho rằng: Chúng ta phải thay đổi tư duy quản lý. Người quản lý phải có tầm nhìn, tư duy dài hạn. Bởi kinh tế đêm là phải “sáng choang” và người ta vẫn có thể sống, phổ biến văn hóa, có thể phát triển được. Tóm lại kinh tế đêm là phải biến đêm thành ngày, để nâng cao văn hóa, thu nhập tăng thêm, đời sống người dân được nâng lên, đồng thời mở rộng sự hiểu biết. Chính vì chưa hiểu nên đôi khi người ta sợ quản lý và có khi sợ cả trách nhiệm. “Phải làm cho mọi người hiểu thời cơ để phát triển đang đến rất nhanh, nếu không nắm bắt được là mất cơ hội. Chúng ta phải sáng tạo, mạnh dạn và bỏ qua nỗi sợ”, ông Chất nhấn mạnh.
Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi
Để “thắp sáng” kinh tế đêm, Bộ VHTTDL vừa có Quyết định ban hành đề án "Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm" nhằm tăng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú và tăng cường khả năng thu hút du khách của du lịch Việt Nam. Cụ thể, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (tỉnh Quảng Nam), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Riêng các điểm đến Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng sẽ thí điểm trước tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.
Đưa tâm hồn Việt vào sản phẩm du lịch
“Về tổ hợp giải trí đêm riêng biệt sẽ được thí điểm ở Hà Nội tới đây, chỉ nói riêng phố cổ chúng ta chưa biết cách khai thác. Tại sao không làm sống lại một số phố nghề truyền thống để du khách có thể trải nghiệm. Tôi tin họ sẽ rất thích. Trong không gian cổ xưa ấy tổ chức diễn xướng các bộ môn truyền thống rất phù hợp, ta cũng có một số loại hình được UNESCO ghi danh, ta nên tìm cách quảng bá thế nào để du khách biết đến. Rồi chợ đêm, lẽ ra nên có không gian thưởng thức và dạy cách pha chế trà, cà phê, biểu diễn các món ẩm thực Hà Nội… Hay với giới trẻ, những trò chơi dân gian cũng rất thú vị. Hãy đưa tâm hồn Việt vào sản phẩm du lịch. Tôi từng đến một số điểm du lịch mới nổi, người ta dựng lên các vị thần trong thần thoại Hy Lạp tại các khu vui chơi, những cái đó không phải là của Việt Nam. Tại sao ta không đưa những nhân vật quen thuộc trong truyện thần thoại, cổ tích quen thuộc để làm bật lên tinh thần Việt Nam. Với Hà Nội, chúng ta có truyền thuyết về Thăng Long, Chử Đồng Tử - Tiên Dung, hồ Dâm Đàm, hồ Hoàn Kiếm… quá nhiều thứ để Thủ đô có thể khai thác, phát triển kinh tế đêm với sản phẩm đặc trưng. Dù vậy, tôi xin lưu ý, cần bỏ bớt những cho phép, cấp phép, cái gì có lợi cho dân, cho Hà Nội thì chúng ta phải làm. Có thể thấy chính sách của chúng ta rất tốt, rất cởi mở, nhưng đến lúc triển khai ở cơ sở thì cực kỳ khó khăn nên cần sớm cởi bỏ “nút thắt” này” - PGS.TS Trần Minh Chất.
Tại Hà Nội và TPHCM cũng như nhiều đô thị sôi động đã hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế đêm. Với Hà Nội có thể kể đến các thế mạnh: Phố đi bộ, tour du lịch đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long, tour đêm lại di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm tại Bảo tàng Văn học Việt Nam…Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chuẩn bị ra mắt tour khám phá Văn Miếu ban đêm, với nhiều ứng dụng mới về công nghệ. Thành phố cũng đang hoàn thiện Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm - “quận du lịch” của Thủ đô. Mặc dù vậy, việc phát triển kinh tế đêm vẫn tồn tại không ít vướng mắc.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng: Chúng ta cần sớm ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm.
Còn với TPHCM, trong thời gian qua nhộn nhịp nhất với nhiều hoạt động như phố đi bộ (phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện), phố ẩm thực, chợ đêm, và sự bùng nổ của hệ thống cửa hàng tiện lợi... Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Lê Trương Hiền Hòa, phát triển kinh tế ban đêm được xác định là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy sự phục hồi cho ngành du lịch sau đại dịch. Tuy nhiên, kinh tế đêm của đô thị nhộn nhịp nhất trên cả nước vẫn còn hạn chế và đơn điệu, chưa phát triển được thương hiệu hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Sản phẩm du lịch phải đặc sắc
Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề không phải chúng ta cho phép hàng quán mở cửa đến mấy giờ mà ngành du lịch sẽ có những sản phẩm đặc sắc ra sao để thu hút du khách.
Đến với Bắc Kinh (Trung Quốc), các khu chợ đêm vô cùng sôi động khi đêm xuống. Một vài tuyến tàu điện ngầm cũng được thành phố kéo dài thời gian chạy tàu. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền, giảm giá điện, nước... cho các nhà hàng hoạt động vào ban đêm đủ điều kiện.
Tại Hàn Quốc, vào 1 giờ sáng, nhà tắm hơi công cộng ở thủ đô Seoul vẫn nườm nượp khách. Không chỉ xông hơi, ngâm bồn nóng..., các vị khách tới tắm hơi có thể ngủ qua đêm luôn tại đây. Mỗi đêm, một phòng tắm hơi có thể “bỏ túi” vài chục triệu đồng nhờ đón người bản địa và cả du khách quốc tế tới trải nghiệm văn hóa. Đây chỉ là một trong những hoạt động về đêm được ưa chuộng tại Hàn Quốc.
Với Thái Lan, bên cạnh các trung tâm mua sắm mở cửa 24/24, Bangkok xây dựng và mở cửa các không gian sống dành cho cộng đồng địa phương, ví dụ, thư viện cuộc sống đô thị mở cửa 24/24 dành cho sinh viên, hoạt động khởi nghiệp, và khách du lịch. Bangkok cũng đầu tư vào nghệ thuật đường phố, thiết kế được lồng ghép với các không gian của các trung tâm mua sắm, sự kết nối các trung tâm mua sắm với các bến tàu điện trên cao, các con đường ngầm… tạo điểm nhấn và thu hút khách thăm quan chụp ảnh.
Nêu giải pháp PGS.TS Trần Minh Chất cũng cho rằng, nếu muốn phát triển du lịch ban đêm thì ngoài chuyện bia hơi, ốc luộc, Hà Nội phải có sản phẩm văn hóa đặc trưng, chứ đừng có bán đồ xuất xứ lạ, ít bản sắc như chợ đêm Đồng Xuân. Muốn hấp dẫn du khách, chúng ta phải có sản phẩm đặc sắc của Thủ đô, của người Việt.
Với kinh nghiệm làm du lịch lâu năm, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, nếu chúng ta xây dựng được chiến lược phù hợp, với sự phong phú và đa dạng hơn về các loại dịch vụ thì việc tăng chi tiêu của khách du lịch, đặc biệt là từ những hoạt động ban đêm, là điều không khó.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội) kiến nghị: Hoạt động du lịch đêm gồm cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Vậy nên giải pháp quan trọng nhất là phải phân khu, phân bố không gian tổ chức dịch vụ ban đêm để hoạt động du lịch đêm mang lại hiệu quả mà không ảnh hưởng tới người dân và các du khách khác. Khu vực làm kinh tế đêm cần có chuỗi kết nối sản phẩm ban đêm tốt, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Quy hoạch khu vực kinh tế đêm cũng cần nhận được sự đồng thuận và chung tay từ người dân, doanh nghiệp. Khi người dân, doanh nghiệp xác định được họ hưởng lợi ích gì, chịu những tác động tiêu cực ra sao và nhận thức rõ ràng về điều đó cộng với vai trò quản lý của chính quyền thì hoạt động mới hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Cơ hội lớn để du lịch cất cánh
Việc phát triển kinh tế ban đêm có vai trò thực sự quan trọng và cần thiết cho việc phát triển du lịch. Vì vậy, quy định mở các dịch vụ từ đêm đến 6h sáng là điều bình thường và đáng làm từ lâu rồi, chứ không phải bây giờ. Nhưng theo tôi, chậm còn hơn không. Xét về phương diện phát triển du lịch, đây là điều tốt và cần thiết.
Du lịch ban đêm là một trong những hình thức thu hút rất mạnh với du khách nước ngoài và trong nước. Vì thực ra hoạt động từ xưa đến nay ở ta tương đối đơn điệu, không đáp ứng được nhu cầu về ăn, nghỉ, chơi của du khách. Đây rõ ràng là một cơ hội lớn để du lịch tăng trưởng và phát triển.
Cũng có ý hiểu kinh tế ban đêm chỉ là các phố đi bộ, chợ đêm, vũ trường, quán karaoke… nhưng theo tôi cách hiểu đó chưa đầy đủ và không chính xác. Kinh tế ban đêm bao gồm tất cả những hoạt động kinh tế về đêm. Trong đó có rất nhiều các hoạt động từ vui chơi giải trí, giao lưu văn hóa cho đến vận tải, thương mại, tài chính… Dĩ nhiên các hoạt động này cần phải được nghiên cứu và có các cách thức quản lý phù hợp. Từ đó lôi cuốn được người dân, khách du lịch, nhà đầu tư.
Ngoài ra, kinh tế ban đêm phải được phát triển một cách đa dạng và phải có tính riêng biệt theo từng vùng miền. Các doanh nghiệp lớn có vai trò đầu tàu, tạo ra những vị trí trung tâm phát triển kinh tế ban đêm. Vai trò của doanh nghiệp lớn là tạo ra sức lan tỏa, sức hấp dẫn du khách nhưng đồng thời cũng tạo ra mạng lưới liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể tạo ra các sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu khác nhau.
PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: Nới lỏng để khuyến khích phát triển
Cần có nhận thức đầy đủ về vai trò của kinh tế đêm đối với phát triển du lịch, đặc biệt là trong việc kéo dài ngày lưu trú và tăng chi tiêu của khách, qua đó tăng nguồn thu từ du lịch, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Trên cơ sở đổi mới về nhận thức cần có quan điểm định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế đêm ở Việt Nam. Theo đó, cơ chế, chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế đêm phù hợp với điều kiện và bối cảnh của Việt Nam. Khuyến khích được các doanh nghiệp lớn thuộc khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào xây dựng và phát triển kinh tế đêm, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động ban đêm.
Xây dựng các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích khu vực kinh tế đêm bao gồm cả hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp quy mô lớn tham gia đầu tư phát triển kinh tế đêm. Đồng thời, tập trung nhiều vào cơ chế quản lý hoạt động kinh tế đêm cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng nền tảng cho kinh tế đêm.
Tập trung vào hoàn thiện các cơ chế để quản lý tốt hoạt động kinh tế đêm gắn với phát triển du lịch, đặc biệt tại các trung tâm du lịch và khai thác tối đa tiềm năng của mô hình này, bao gồm: Loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; giờ giới nghiêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động (tiếng ồn, ánh sáng); chính sách về giao thông ban đêm; cơ sở hạ tầng công cộng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế đêm; chính sách về an ninh, trật tự; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng, khách du lịch tham gia hoạt động kinh tế đêm; và phân cấp mạnh cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế đêm.