Ai cũng có thần tượng cho riêng mình
“Việc lựa chọn một ai đó để thần tượng là điều bình thường nên thay vì chúng ta cứ hỏi vì sao giới trẻ lại như vậy, hay người đó có gì mà phải thần tượng... thì chúng ta nên hỏi là thần tượng đó là ai và vì sao các thần tượng làm được như vậy? Khi đó chúng ta mới có đáp án chấp nhận hay không chấp nhận hiện tượng “đu idol”, TS tâm lý Nguyễn Hữu Long chia sẻ.
Anh phân tích: “Thanh thiếu niên là giai đoạn lứa tuổi rất đặc biệt bởi đây là giai đoạn vàng của quá trình phát triển (thể chất, tâm lý) của con người. Cũng chính vì vậy nên nếu là cha mẹ thì chúng ta cần quan tâm hơn con trẻ ở giai đoạn này để vừa là người thầy chỉ dạy, vừa là người anh chị chăm lo và vừa là người bạn để đồng hành, để cùng con phát triển. Và nếu là những người tổ chức các hoạt động bên ngoài gia đình cũng cần phải thấu hiểu thanh thiếu niên để giúp các em có sân chơi mà ở đó các em vừa được thỏa mãn đam mê, vừa được định hướng để phát triển một cách tốt nhất.
“Đu idol” (đu thần tượng) được sử dụng để chỉ hành động của người hâm mộ cuồng nhiệt các nghệ sĩ thần tượng. Cụm từ “đu idol” được sử dụng rộng rãi và liên tục khi diễn ra đêm biểu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink được tổ chức tại Việt Nam cuối tháng 7 vừa qua. Vậy hiện tượng “đu thần tượng” trong giới trẻ Việt Nam có những mặt tích cực và tiêu cực gì?
Bản thân tôi đã và đang có nhiều cơ hội được làm việc cùng người trẻ - thanh thiếu niên nên tôi rất quý và hiểu các bạn. Tư duy tốt, đam mê vượt trội, cảm xúc mãnh liệt… là những đặc điểm tâm lý nổi bật, tích cực ở các em. Tuy nhiên, nếu các em không được định hướng thì những đặc điểm này vượt quá ngưỡng sẽ trở thành những trở ngại cho sự phát triển sau này.
Vì thế dù là người tổ chức trực tiếp hay là người cố vấn cho những người tổ chức các hoạt động tôi đều lưu ý, nhấn mạnh đến việc định hướng suy nghĩ, cảm xúc cho các em. Việc này thực chất không khó bởi lứa tuổi này các em vẫn còn chuộng về hình thức, chỉ cần hình thức đáp ứng đúng mong muốn của mình thì các em sẽ dễ tiếp nhận, nên các hoạt động luôn được tôi và những người thực hiện đổi mới, sáng tạo… Riêng phần nội dung chúng tôi luôn chắt lọc, cân nhắc để vừa phù hợp với thị hiếu của các em nhưng phải giúp các em định hướng, điều chỉnh từ nhận thức cho đến hành vi một cách hiệu quả nhất, có thể gián tiếp hoặc trực tiếp thông qua nội dung của các hoạt động”.
Việc bỏ số tiền khá lớn để được thỏa mãn cảm giác được ngắm nhìn thần tượng ngoài đời, với TS Nguyễn Hữu Long không có gì là sai lệch. Nếu người đó có điều kiện kinh tế và số tiền này không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống cá nhân thì không nên so sánh số tiền này với các việc khác, bởi mỗi việc làm của mỗi người đều mang lại cho bản thân giá trị khác nhau.
“Riêng cá nhân tôi thấy việc này hoàn toàn bình thường bởi ai cũng có thần tượng cho riêng mình, chỉ khác là ở mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn đời người hay mỗi giai đoạn xã hội các thần tượng khác nhau và cách thể hiện của chúng ta sẽ khác nhau mà thôi”, TS Nguyễn Hữu Long nói.
Theo TS Nguyễn Hữu Long, việc thần tượng ai là điều bình thường. Khi đã thần tượng rồi thì việc quan tâm đến thần tượng, lo lắng và thậm chí là “khóc hết nước mắt” vì thần tượng cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, theo anh, nếu vì quá thần tượng mà làm mọi chuyện quá lên thì cần phải quan tâm: “Ví như muốn được ngắm trực tiếp, nghe thần tượng hát, diễn mà phải vay tiền, mượn nợ để trang trải chi phí, vì yêu quý thần tượng mà phải quỳ gối khóc lóc van xin được gặp thần tượng hay ra mặt bảo vệ hành vi sai trái của thần tượng… là những việc làm, hành vi không thể chấp nhận. Hoặc có những người vì yêu quý thần tượng đến mức bỏ hết công việc, cuộc sống của bản thân để đi theo dõi thần tượng, yêu thầm đến mức hoang tưởng là việc cần phải được điều chỉnh vì đây là những hành vi không đúng với việc mình yêu quý ai đó. Ở các nước phát triển họ đã xây dựng hành lang pháp lý để vừa bảo vệ các thần tượng vừa đảm bảo cuộc sống cho những người hâm mộ si mê quá mức thần tượng của mình”.
TS Nguyễn Hữu Long chia sẻ, nếu bạn trẻ vì quá “đu idol” của mình mà bất chấp có những hành vi, lời nói quá khích, vượt quá chuẩn mực làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bản thân, của cộng đồng thì cần phải xem xét để điều chỉnh và loại bỏ.
Bởi nếu không thực hiện hành động cương quyết loại bỏ các hành vi này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sự phát triển tâm sinh lý của các bạn sau này.
“Ví dụ như ảnh hưởng đến việc học, kế hoạch làm việc hay cả sức khỏe và trí tuệ của chính các bạn. Thậm chí một số bạn rơi vài trầm cảm khi thần tượng của mình bị một vấn đề gì đó mà mình không thể giúp thần tượng giải quyết được hoặc có hành vi quá khích với những người xung quanh khi thần tượng mình bị xúc phạm...”, TS Nguyễn Hữu Long cho hay.
“Thần tượng ai đó là quyền của mỗi cá nhân nhưng chúng ta cần biết đâu là điểm dừng để vừa thần tượng nhưng không làm xấu mình và xấu thần tượng. Đừng để “văn hóa trào lưu” và “tâm lý đám đông” thao túng tâm lý để rồi trở thành những người “đu thần tượng”, “cuồng thần tượng” quá mức. Vì thế, để giúp các bạn trẻ nói riêng và tất cả chúng ta tránh được hiện tượng này thì mỗi lực lượng khác nhau trong xã hội, từ gia đình, nhà trường cho đến các cơ quan quản lý văn hóa, nhà nước cùng vào cuộc để có hệ thống các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Đơn cử như cha mẹ ở nhà thì tạo không gian để đồng hành cùng con khi con có thần tượng hay kiến tạo không gian gia đình, là tấm gương để con thần tượng. Nhà trường cần tạo nhiều hoạt động hấp dẫn để thu hút học sinh, cơ quan truyền thông biết chọn lọc tin tức - nhất là những tin liên quan đến thần tượng để lan tỏa với những thần tượng đúng là thần tượng và sẵn sàng lên án, xây dựng văn hóa thần tượng”, TS Nguyễn Hữu Long chia sẻ.