Lo cho dân trong mùa mưa lũ
Thông tin từ cơ quan chức năng, 7 tháng năm 2023, cả nước ghi nhận 1.753 sự cố, thiên tai, làm chết 267 người, mất tích 78 người, bị thương 291 người; chìm, cháy, hỏng 302 phương tiện; làm sập đổ, tốc mái 9.075 nhà, hư hại 45.536 ha lúa và hoa màu... Những gì đã và đang diễn ra từ đầu tháng 8 tới nay cho thấy năm nay sẽ là một năm thiên tai ác liệt.
Nhiều ngày qua mưa lớn diễn ra trong phạm vi cả nước, kéo theo lũ lụt, sạt lở đất, gây thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân nhiều nơi. Mưa liên tục với tổng lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, khiến đất nhão ra, đồng thời tạo ra những trận lũ. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, riêng tỉnh Sơn La có tới 175 xã thuộc 11 huyện với trên 940 điểm có nguy cơ sạt lở. Tại tỉnh Lai Châu có 81 xã thuộc 8 huyện, với trên 510 điểm có nguy cơ sạt lở. Tỉnh Yên Bái có 75 xã thuộc 9 huyện. Tỉnh Bắc Kạn có 100 xã thuộc 8 huyện, với tổng số trên 300 điểm có nguy cơ sạt lở.
Trong khi đó, dự báo từ nay tới hết tháng 8, miền Bắc vẫn tiếp tục nằm trong giai đoạn mưa nhiều. Dự báo tổng lượng mưa trong 20 ngày cuối tháng 8 tại khu vực Tây Bắc có thể tới 100-200mm; khu vực Việt Bắc từ 150-250mm; khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ từ 150 -300mm.
Mưa lớn kéo dài khiến nước dòng sông phía Bắc lên cao; lượng nước đổ về các hồ, đập thủy điện, thủy lợi tăng nhanh, buộc phải chuẩn bị các phương án xả lũ.
Trong đợt mưa lớn vừa qua, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) được coi là tâm điểm của lũ (lũ ống), nặng nhất là các xã Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn. Huyện đã phải huy động tối đa lực lượng dân quân tự vệ của các xã giúp dân xã Hồ Bốn và Khao Mang khắc phục hậu quả thiên tai.
Tương tự các tỉnh phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên cũng đã và đang phải đối mặt với thiên tai. Ngày 8/8, UBND tỉnh Đắk Nông đã phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với 3 công trình, khu vực sạt lở, sụt trượt. Trong đó hồ chứa nước Đắk N'ting ở vào tình thế nguy hiểm khi mưa lớn kéo dài khiến xuất hiện cung trượt lớn kéo dài khoảng 400m, cung trượt khoảng 30m, vết nứt tới 30cm, độ sụt đất tại một số vị trí sâu đến 60cm gây mất ổn định công trình, an toàn đập và vùng hạ du.
Thông tin từ đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu cho biết, tính từ ngày 9/8, chỉ có 15 ngày để “cứu” hồ thủy lợi này.
Trước những nguy cơ có thể xảy ra, lực lượng chức năng đã di dời 34 hộ dân. Theo tính toán của các chuyên gia, tình trạng sạt trượt tại công trình thủy lợi này là nghiêm trọng. Với tình hình mưa lũ như hiện nay, có thể sẽ có hơn 1 triệu m3 đất sạt trượt xuống công trình, nguy cơ vỡ đập hiện hữu, vì vậy phải gấp rút xử lý sạt trượt và giảm tối đa nước trong hồ.
Thiên tai từ biến đổi khí hậu, nhất là trong mùa mưa bao giờ cũng dữ dội. Công điện số 732 ngày 8/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ phải tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng cơ quan liên quan nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển. Kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
Từ nay tới hết tháng 8, còn nhiều đợt mưa lớn, hiểm họa thiên tai vẫn còn đó. Vì vậy, cần chủ động phòng, chống, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; tổ chức tuyên truyền cho người dân và các hộ dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở để chủ động sơ tán đảm bảo an toàn cho người và tài sản; đồng thời, khi có mưa lớn kéo dài, chính quyền địa phương cần phải thường xuyên thông báo rộng rãi cho nhân dân, khuyến cáo người dân không di chuyển qua lại các khu vực nguy hiểm. Lo cho dân là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất. Trong đó, trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất nặng nề.