Gia tăng trẻ em mắc bệnh dạ dày
Thời gian qua, nhiều trẻ em đã phải nhập viện vì các bệnh lý liên quan tới dạ dày. Đáng nói là, khi thấy triệu chứng các bậc phụ huynh đều chủ quan...
Bệnh viện đa khoa Medlatec vừa tiếp nhận trường hợp bé trai N.G.N. (9 tuổi, Hà Nội) mắc viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Khai thác tiền sử, gia đình bé cho biết, khoảng 1 tháng nay, trẻ xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, đau bụng. Bố mẹ nghĩ rằng con bị rối loạn tiêu hóa nên cho uống men vi sinh, nhưng tình trạng trẻ không thuyên giảm mà có dấu hiệu tăng nặng hơn. Sau đó, gia đình đưa con đến bệnh viện để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhi loét hang vị dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản...
Mẹ bé chia sẻ: “Chúng tôi rất bất ngờ khi con còn nhỏ mà đã bị loét dạ dày. Bởi trước đây tôi nghĩ bệnh đau dạ dày chỉ gặp ở người lớn, nên khi con có bất thường vẫn chủ quan nghĩ đó là do ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa, gây mệt mỏi và chỉ cho uống men tiêu hóa”.
BS Lưu Tuấn Thành - Chuyên khoa Tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa Medlatec) cho biết: Bệnh lý dạ dày phổ biến nhất trong các bệnh đường tiêu hóa hiện nay. Đáng lo ngại, bệnh có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, không ít các trường hợp bệnh nhi dưới 10 tuổi mắc bệnh dạ dày. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh lý dạ dày ở trẻ là vi khuẩn H. pylori, ngoài ra còn do thói quen ăn uống. Theo nhiều nghiên cứu tại Việt Nam, có tới 70-80% dân số có vi khuẩn H. pylori trong dạ dày.
Đáng lo ngại hơn khi các bậc phụ huynh thường hay nhầm lẫn những cơn đau bụng thường hay đau bụng giun với những cơn đau dạ dày, để rồi chủ quan không đưa trẻ đi khám. Theo số liệu thống kê, trong 60% trẻ nhập viện do viêm dạ dày, có 1/2 trẻ đau bụng kéo dài trên 3 tháng mà chưa được điều trị, dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày, thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày...
Chị N. T. T. (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vô cùng sửng sốt khi được bác sĩ cho biết con trai 5 tuổi bị viêm dạ dày cấp độ nặng. Chị cho biết, trước đó bé thường kêu đau bụng chị cứ ngỡ bé giả vờ do sợ ăn. Chị còn mua thuốc tẩy giun cho con vì nghĩ bị giun, nhưng càng uống thuốc con càng đau bụng, da xanh xao. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, bác sĩ nội soi cho thấy bệnh nhi có tới hàng chục ổ loét hành tá tràng, bờ ổ loét xơ chai. Những dấu hiệu này cho thấy ổ loét đã xuất hiện và tiến triển được vài tháng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều người cho rằng bệnh đau dạ dày chỉ xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên, hiện nay bệnh này đang có xu hướng tăng nhiều ở đối tượng trẻ em, chiếm tỷ lệ khá cao trong các bệnh tiêu hóa nói chung.
“Viêm dạ dày tá tràng ở trẻ em hầu hết do nguyên nhân nhiễm H.pylori, chiếm khoảng 60 - 90% số trẻ bị viêm dạ dày - tá tràng. Đây là một trong những tác nhân gây nhiễm khuẩn mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, ước tính hiện nay có khoảng phân nửa dân số thế giới nhiễm loại vi khuẩn này. Khi nhiễm H.pylori ngay cả người lớn và cả trẻ em đều không có triệu chứng gì cả, khi H.pylori gây viêm dạ dày ở mức có thể nhận thấy bằng mắt thường qua nội soi thì trẻ cũng không có triệu chứng. Nếu H.pylori gây ra triệu chứng, thì thường đó là triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng” – BS Dũng cho biết.
Theo chuyên gia, đối với trẻ nhỏ, triệu chứng của viêm dạ dày thường là buồn nôn, nôn ói và đau ở vùng bụng trên. Nhưng những triệu chứng này cũng có ở những bệnh lý khác. Đối với trẻ lớn, biểu hiện của loét dạ dày là cảm giác cồn cào, nóng rát và đau vùng bụng trên, vùng giữa bờ sườn và trên rốn. Đau tăng lên khi đói và giảm đi khi ăn, khi uống sữa hoặc uống các thuốc trị dạ dày.
Thuốc điều trị thường được sử dụng là kháng sinh để diệt trừ vi khuẩn H.pylori phối hợp với các thuốc trung hòa acid hoặc ức chế tăng tiết acid dịch vị. Chính vì vậy cha mẹ nên chú ý đến dinh dưỡng cho trẻ để giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Khẩu phần ăn hàng ngày cần có đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng để trẻ bắt kịp đà tăng trưởng.
Cha mẹ cần sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày và chống tăng tiết acid dịch vị. Ưu tiên thức ăn giảm tiết acid dịch vị: Mật ong, đường, bánh quy, dầu thực vật; Thức ăn trung hòa acid dịch vị: Sữa, trứng; Thức ăn bọc hút niêm mạc dạ dày, ít mùi vị: Gạo nếp, bột sắn, khoai, bánh mỳ… Chế biến thức ăn nên hấp luộc, nấu chín hầm nhừ, nghiền nát hoặc xay nhuyễn để giảm kích thích tiết dịch vị và được vận chuyển nhanh qua dạ dày.
Để phòng bệnh viêm loét dạ dày, ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu. Trong gia đình khi có người bị viêm loét dạ dày, tá tràng do H.pylori thì bát, đũa, cốc, chén không nên dùng chung hoặc phải nhúng vào nước đun sôi sau khi đã rửa sạch. Không mớm thức ăn, không ôm hôn trẻ. Ngoài ra, chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống hàng ngày, nâng cao sức đề kháng cho trẻ.