Xuất khẩu rau quả lập kỷ lục mới
Thuận lợi về thị trường, về các mặt hàng xuất khẩu mới, có giá trị cao, sản xuất quy củ, chuyên nghiệp hơn... là nền tảng để xuất khẩu rau quả tăng tốc và có thể đạt mốc 5 - 5,3 tỷ USD trong năm 2023.
Khả năng vượt mốc 5 tỷ USD
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm tăng trưởng nhanh trong bối cảnh nhiều ngành hàng sụt giảm do tổng cầu yếu. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo những tháng còn lại của năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả đạt từ 2,5 tỷ USD đến 2,7 tỷ USD.
Năm 2023, mặc dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng hàng rau quả của Việt Nam có chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh, nên được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Theo Cục Xuất nhập khẩu, tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này chiếm 84,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cho biết, sầu riêng và chuối của Việt Nam ngày càng được nhiều quốc gia ưa chuộng do chất lượng nâng cao. Đặc biệt, vụ sầu riêng Việt Nam kéo dài, trong đó, từ tháng 2 đến tháng 6, thu hoạch ở các tỉnh miền Tây; tháng 6 đến 10 là ở miền Đông và Tây Nguyên, nên sản lượng dồi dào, giá cạnh tranh hơn so với hàng của Thái Lan, Philippines.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, dù xuất khẩu sang Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, nhưng sầu riêng Việt Nam có lợi thế riêng. Đến nay, sản lượng thu hoạch mới đạt trên 50%, hiện đang chủ yếu thu hoạch ở Đồng Nai, Lâm Đồng. Đến tháng 8, tháng 9 sẽ thu hoạch chính ở Tây Nguyên và cuối năm ở miền Tây.
Việt Nam hiện có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này. Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị này đang làm việc với Hải quan Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi hồ sơ cho Trung Quốc. Nếu được cấp thêm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Bên cạnh đó, các loại trái cây khác của Việt Nam cũng tấp nập xuất khẩu sang Trung Quốc, do nhu cầu nhập khẩu tại thị trường này tăng cao. Nhiều loại trái cây đang bước vào vụ thu hoạch và có đặc tính rải vụ, nên ngành rau quả được đánh giá còn nhiều dư địa để xuất khẩu. Trong đó, vú sữa, chôm chôm gần như có thể cung cấp quanh năm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, giá xuất khẩu cũng tốt hơn năm trước.
Ngoài thị trường Trung Quốc, rau quả xuất khẩu tới Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2023.
Chú trọng quy chuẩn vùng trồng
Với tốc độ như hiện tại, dự báo xuất khẩu hàng rau quả trong nửa cuối năm 2023 sẽ tăng trưởng khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội, khi nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường. Một trong những cơ sở chính của dự báo này là các nghị định thư đã ký với Trung Quốc trong năm 2022 giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều điểm sáng. Theo kế hoạch, trong tháng 8, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra thực địa đối với trái dừa tươi Việt Nam để xem xét cho phép xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này sang Trung Quốc qua việc ký kết nghị định thư xuất khẩu.
Tín hiệu tích cực với ngành hàng rau quả là thị trường Mỹ vừa công bố mở cửa thị trường với quả dừa sọ của nước ta, theo đó, các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ ngay lập tức. Đáng chú ý, yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất đối với các lô hàng sẽ chỉ diễn ra tại các cảng nhập cảnh của Mỹ. Hiện, APHIS đã thông báo nội dung cập nhật tới các Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào của lô hàng tại các cảng nhập của quốc gia này.
Việt Nam có gần 200.000 ha đất trồng dừa, sản lượng 2 triệu tấn trái, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông cửu Long. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 7 thế giới về sản xuất dừa, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và sản phẩm liên quan đến dừa trong năm 2022 đạt 900 triệu USD.
Ngoài thị trường truyền thống, Anh và Canada cũng là 2 thị trường nhập khẩu chính hàng rau quả trên toàn thế giới, tuy nhiên tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam của cả 2 thị trường chỉ chiếm chưa đến 1% tổng trị giá nhập khẩu. Do vậy, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, vẫn còn nhiều cơ hội để các DN xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam khai thác. Tuy nhiên,để rau quả vào được thị trường EU các DN xuất khẩu cần chú ý, người dân EU chỉ tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao và đồng nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiện lợi, các sản phẩm phải được sản xuất theo quy trình bền vững, ít phát thải và có trách nhiệm xã hội.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các cộng đồng khác. Với thị trường Trung Quốc, dù hiện nay đang có nhiều thuận lợi song để gia tăng trị giá xuất khẩu, hàng rau quả của Việt Nam phải có chất lượng tốt, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Điều này đòi hỏi DN Việt Nam cần nắm vững và tuân thủ hệ thống quy định, tiêu chuẩn hiện hành của thị trường Trung Quốc.
Theo Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.