Người dân nhường đất cho cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Mong sớm được an cư
Mặc dù đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng đến nay, khu tái định cư dành cho người dân bị thu hồi đất phục vụ dự án này vẫn chưa xây dựng xong. Hiện, người dân vẫn đang mòn mỏi đợi chờ được về nơi ở mới để sớm “an cư lạc nghiệp”.
Sau 36 tháng bàn giao toàn bộ đất đai, nhà cửa, ruộng vườn để chủ đầu tư có mặt bằng thực hiện dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, đến nay, hàng loạt hộ dân thuộc diện được cấp tái định cư (TĐC) ở một số xã như: Suốt Cát, Xuân Tâm, Xuân Hiệp,.. huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vẫn đang trong tình cảnh đi ở trọ.
Giao đất rồi đi ở trọ
Bà Đặng Thị Thanh Thúy (ở xã Suối Cát) cho hay, gia đình bà có 3.100m2 đất (bao gồm đất, công trình nhà ở trên đất và ruộng vườn) thuộc diện thu hồi đất để thực hiện dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Bà Thúy là một trong những hộ dân đầu tiên đồng thuận bàn giao đất cho nhà nước thực hiện dự án. “Dự án phục vụ cho phát triển cho đất nước thì mình ủng hộ, tuy nhiên đề nghị các cơ quan chức năng sớm bố trí người dân đến khu TĐC vì đã 3 năm nay chưa biết hình hài lô đất TĐC mà mình sẽ ở ra sao. Trong khi đó, gia đình 6 nhân khẩu phải đi thuê nhà để ở, cuộc sống, sinh hoạt vô cùng khó khăn.
Cũng theo bà Thúy, mới đây, trong cuộc tiếp xúc cử tri với huyện Xuân Lộc, nhiều hộ dân bức xúc vì đến nay chưa được bốc thăm TĐC. “Khi chưa có đất TĐC, huyện nói hỗ trợ một hộ 3 triệu đồng/tháng để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, đã 36 tháng nay đi ở trọ, chúng tôi chỉ mới nhận được 15 tháng. Còn 21 tháng chưa được nhận” - bà Thúy cho biết.
Trường hợp của ông Nguyễn Hữu Khoa cùng ở xã Suối Cát cũng tương tự, dù đã bàn giao đất cho dự án, thuộc diện được cấp TĐC nhưng đến nay ông vẫn chưa biết đến khi nào mới nhận được đất để xây dựng nhà ở. “Đi họp thì nghe lãnh đạo huyện nói khu TĐC vẫn chưa có mặt bằng. Hẹn cuối năm nay lên bốc thăm mà không biết thế nào. Tôi mong chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ tiền nhà trọ hơn 20 tháng nay chưa được nhận và sớm được TĐC” - ông Khoa nói. Theo ông Khoa, trước khi thu hồi đất làm dự án thì chính quyền địa phương phải sẵn sàng nguồn quỹ đất để đảm bảo ổn định đời sống của người dân sau khi bàn giao đất.
Bà Thúy và ông Khoa là hai trong số nhiều hộ dân bị ảnh hưởng của dự án đến nay vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ hơn 20 tháng và đang ngóng đến ngày tái định cư chỗ ở mới. Việc khu TĐC bị chậm tiến độ đồng nghĩa với việc hàng trăm hộ gia đình đã “nhường” đất để triển khai dự án trên địa bàn huyện Xuân Lộc phải tiếp tục kéo dài thời gian chờ đợi.
Không chỉ vậy, nhiều người trong số đó còn bị ảnh hưởng cả về việc làm khi mà đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi. Người dân vốn đã quen với công việc ruộng, vườn, nay không có đất sản xuất, một số người đành phải đến các địa phương khác để mưu sinh.
Hạ tầng ngổn ngang
Khu TĐC dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nằm tại khu phố 8, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích gần 9,5ha, bao gồm: diện tích đất ở, đường giao thông, vỉa hè, khu xử lý nước thải và các hạ tầng kỹ thuật khác… Tổng kinh phí thực hiện trên 271 tỷ đồng. Theo thiết kế, khu TĐC thị trấn Gia Ray có thể bố trí trên 250 lô nhà liền kề, diện tích mỗi lô tương ứng khoảng hơn 200m2. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến 2022. Về số hộ dân bị ảnh hưởng được bố trí TĐC khoảng hơn 200 hộ, trong đó có trên 160 hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất thực hiện cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và khoảng trên 40 hộ tại khu đất thu hồi để xây dựng dự án TĐC.
Những ngày đầu tháng 8, có mặt tại dự án nói trên, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết nhận thấy rất nhiều hạng mục công trình trong tình trạng “án binh bất động”. Không một bóng công nhân xây dựng, các trang thiết bị nằm ngổn ngang. Nhiều vị trí xây dựng đường ống thoát nước đang thực hiện dang dở không được che chắn, không cắm biển cảnh báo.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, ông Lê Khắc Sơn cho biết, khu TĐC dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ở khu phố 8, thị trấn Gia Ray đang chậm tiến độ. Việc này có nguyên nhân chủ quan và khách quan. “Tiến độ chậm vì quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề, trong khi đó, anh em cũng chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống nên dẫn đến thu hồi đất chậm, khiến cả dự án chậm theo. Địa phương rất quan tâm, chứ không phải là không triển khai. Đặc biệt là về cơ chế chính sách, khi mình triển khai thì gặp các vấn đề pháp lý, quy trình, định giá đất bắt buộc phải điều chỉnh theo đúng pháp luật. Đến giờ này huyện đã xử lý gần xong” - ông Sơn nói và nhấn mạnh chính quyền địa phương đã và đang chủ động tháo gỡ các vấn đề để đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện thực tế tại địa phương.
Về vấn đề chậm hỗ trợ kinh phí cho người dân khi chưa có nơi ở mới, ông Sơn khẳng định đã nắm được thông tin và chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện rà soát, củng cố hồ sơ, để xử lý hỗ trợ tiền cho người dân kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Xuân Lộc Lê Thị Hiệp:
Mặt trận lên kế hoạch giám sát
Qua các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây đã nắm được thông tin người dân phản ánh về việc khu TĐC dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây ở thị trấn Gia Ray chậm tiến độ. Mặt trận huyện cũng đã có thông báo, ý kiến đến các cấp chính quyền thông qua họp HĐND huyện để có phương án đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đây là vấn đề mà cử tri rất quan tâm. Qua nắm bắt, về phía cơ quan chức năng huyện cũng đã rất rốt ráo nhưng do vướng mắc một vài vấn đề nên chưa thể thực hiện như tiến độ đề ra. Mặt trận huyện sẽ có kế hoạch giám sát nếu như nội dung này vẫn tiếp tục chậm trễ. Sẽ cố gắng để người dân sớm được ổn định cuộc sống ở khu tái định cư.
Ông Nguyễn Văn Duy - chuyên gia tư vấn quy hoạch, xây dựng các dự án bất động sản, nhà ở xã hội Đông Nam bộ:
Không thể để dân chờ đợi mãi
Hiện nay việc quy hoạch, xây dựng các khu TĐC trên cả nước đang gặp một vấn đề nan giải chính là thu hồi đất đi trước, TĐC đi sau. Đơn cử như dự án thu hồi đất của người dân để làm cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây mà nhiều người dân phản ánh thời gian qua. Có thể thấy đây là một bất cập rất lớn, khi mà người dân đồng thuận cùng Nhà nước, chính quyền để giao đất làm dự án, nhưng họ lại phải chờ đợi quá lâu. Cao tốc đã được đưa vào khai thác nhưng người dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa có nơi ở mới. Điều đó cho thấy, việc quy hoạch, lựa chọn các khu vực để xây dựng TĐC cho các hộ dân đang “có vấn đề” về năng lực. Hơn ai hết, chính quyền địa phương, chủ đầu tư các dự án cần phải có cách nhìn thấu đáo trong triển khai thực hiện. Đúng luật nhưng phải sát với thực tiễn.