Người kể chuyện văn hóa dân tộc bằng 'Linh thú thời nay'
Rất nhiều các tác phẩm linh thú của Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước đang được đặt tại các điểm du lịch, tâm linh, di sản văn hóa trên cả nước cũng như nước ngoài đã cùng “hẹn nhau” quy tụ về trong triển lãm Nghệ thuật gốm mang tên “Linh thú thời nay” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 10 - 20/8.
Những ngày tháng lang bạt, gắn với điền dã và những câu chuyện mang đậm dấu ấn phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa tâm linh nơi mỗi làng quê đã bồi đắp cho tâm hồn Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước sâu đậm một tình yêu và lòng tự tôn dân tộc. Anh đã thao thức, đam mê sáng tạo, "rút lòng nhả tơ" để thổi hồn tình yêu ấy, lòng tự tôn dân tộc ấy trên từng màu men sắc gốm, đặc biệt ở dòng gốm linh vật, dòng gốm nghệ thuật điêu khắc cùng tiến trình lịch sử dân tộc và dòng gốm trang trí kiến trúc hiện đại.
Hàng loạt các tác phẩm ấn tượng như: Kỳ lân Đình Đăng, Long Mã, Lân sư, con Sấu, Nghê chầu… của Trần Nam Tước hiện đang lưu giữ tại Đền Hùng, Đền thờ vua Đinh, Hoàng thành Thăng Long, Đền Trần Thái Bình, Đảo Trường Sa lớn, Khu di tích Lam Kinh Thanh Hóa, Nhật thành Lâu - di tích Huế, Lăng vua Đồng Khánh, Đền Đô Lý triều Bát đế, Nhà thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Với Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thì triển lãm của Trần Nam Tước cũng làm cho các đồng nghiệp hết sức bất ngờ. “Bởi vì thực sự theo được người xưa là một cái việc cực kỳ khó, và tiếp tục giá trị của di sản này càng khó hơn. Nhưng nghệ nhân Trần Nam Tước đã làm được điều đó", Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.
Chia sẻ tại buổi khai mạc, Nghệ nhân Trần Nam Tước bày tỏ: "Với tôi, văn hóa là một sự tiếp biến nghệ thuật, là giao thoa nhưng trên tinh thần chúng ta đều phải trụ vững trên văn hóa của dân tộc. Đấy là cái hướng mà tôi mong muốn. Tôi làm những sản phẩm để bất kỳ ai ở đâu trên Trái đất này nhìn đều sẽ nhận ra dân tộc tôi".
Triển lãm “Linh thú thời nay” không chỉ là lời tri ân mà Nghệ nhân Trần Nam Tước gửi tới những làng nghề truyền thống trên khắp cả nước, những đường nét người xưa, những bức tường phong hóa, những xóm làng nơi anh đã đi qua cùng những bậc thầy anh đã gặp trong chuỗi ngày phiêu bạt - mà còn mang đến cho công chúng những câu chuyện về văn hóa, lịch sử dân tộc qua từng tác phẩm linh thú, đồng thời như một gạch nối níu giữ, nhắc nhở mỗi người tìm về, trân quý nâng niu và tắm mát trong suối nguồn văn hóa linh thiêng đầy tự hào của dân tộc.