Siết thời gian lái xe ban đêm: Điều chỉnh sao cho phù hợp

MINH DUY 13/08/2023 07:27

Dự thảo Luật Đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến nhân dân. Với phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, cơ quan soạn thảo đề xuất giờ làm việc của lái xe một ngày không quá 8 tiếng, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng, riêng ban đêm không quá 3 tiếng. Dù vậy giới chuyên môn cũng như phía doanh nghiệp vận tải bày tỏ, đề xuất mới vẫn cần phải nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Tăng nghỉ ngơi cho tài xế trong khung giờ ban đêm là rất cần thiết.

Điều 65 Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định thời gian làm việc của lái xe kinh doanh vận tải không được quá 10 giờ/ngày và thời gian lái xe liên tục của các tài xế là không được quá 4 giờ. Khi lái xe sau mỗi 4 giờ, tài xế phải nghỉ ít nhất 15 phút, sau đó mới tiếp tục được làm việc.

Còn tại Dự thảo Luật Đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008), với phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, cơ quan soạn thảo đề xuất giờ làm việc của lái xe một ngày không quá 8 giờ, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng, riêng ban đêm không quá 3 giờ.

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho thấy 80% số vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển sử dụng rượu bia, vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, không chú ý quan sát gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đáng chú ý, khoảng 40% vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khung giờ nửa đêm về sáng (từ 0 giờ đến 6 giờ). Thời điểm này đường vắng, lái xe chạy tốc độ cao và thường chủ quan, mệt mỏi, điều khiển xe trong trạng thái buồn ngủ. Do đó đề xuất giảm thời gian lái xe liên tục, tăng nghỉ ngơi cho tài xế trong khung giờ ban đêm là rất cần thiết. Theo đó, thời gian lái xe làm việc được giám sát thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình được các doanh nghiệp ghi nhận và truyền về Cục Đường bộ.

Về phía người tham gia giao thông, anh Trần Văn Tuấn (Yên Bái) cho rằng: Đề xuất là vậy, nhưng làm sao quản lý được lái xe quá 3 giờ. Bởi họ có thể giải thích có 2 lái xe, 1 lái chính và 1 lái phụ chạy suốt đêm và thực tế chỉ có 1 người lái 6 - 7 tiếng liền qua đêm. Nhưng họ vẫn cãi là 2 người thay nhau lái thì làm thế nào… Họ phóng nhanh, vượt ẩu cũng chẳng thể biết. Cho tới khi xảy ra tai nạn, cơ quan chức năng mới kiểm tra lại thông tin rồi mới xử phạt.

Để hạn chế tai nạn giao thông vào ban đêm, theo Thượng tá Phạm Việt Công - Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cần tăng cường hệ thống ánh sáng, cảnh báo trên đường nhằm hỗ trợ quá trình di chuyển, nhận biết đường của tài xế. Lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát vào khung giờ thường xảy ra tai nạn giao thông để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân. Ngoài ra, cần đánh giá tai nạn giao thông xảy ra trên từng tuyến đường để xác định nguyên nhân và có những giải pháp cụ thể khắc phục.

Băn khoăn với đề xuất trên, quản lý một công ty vận tải dẫn chứng: Như ở Malaysia, tài xế chạy xe gần như hoàn toàn theo lộ trình, hết 4 tiếng sẽ đến trạm dừng nghỉ có chỗ vệ sinh, giặt giũ, tắm rửa, nghỉ ngơi ăn uống miễn phí. Nhật Bản và nhiều nước cũng như vậy, nhưng chúng ta gần như không có nên tài xế muốn dừng nghỉ ngơi, ăn uống thì vừa khó, vừa tốn thêm chi phí cho doanh nghiệp.

“Quy định giờ chạy hiện nay vẫn còn bất cập là do Nhà nước chưa đảm bảo được hạ tầng bãi đỗ trạm dừng, trạm trung chuyển… và công tác kiểm tra chưa nghiêm. Chỉ cần siết quản lý theo quy định hiện nay thì cũng phải có tới 90% doanh nghiệp bị xử phạt. Ngành vận tải đường bộ hiện cực kỳ khó khăn. Nếu những bất cập hiện tại chưa chấn chỉnh được mà cơ quan quản lý đã muốn siết tiếp sẽ đẩy doanh nghiệp vận tải đến bờ vực phá sản”, vị này lo lắng.

Đề xuất trên cũng không nhận được đồng tình của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội, dự thảo Luật Đường bộ điều chỉnh thời gian lái xe liên tục từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau có nhiều điểm bất hợp lý. Nguyên nhân là người vận tải chuyên nghiệp thường làm thủ tục giao nhận hàng vào ban ngày. Ban đêm xe tải hoạt động nhiều vì khung giờ này đường vắng, xe chạy thông suốt, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm nguy cơ va chạm giao thông và độ hao mòn lốp. Nếu quy định này ban hành sẽ có một lượng đáng kể xe chạy khung giờ 22 giờ - 6 giờ chuyển sang 6 giờ - 22 giờ để tài xế được chạy liên tục 4 giờ. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông. “Mặt khác, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định lái xe không quá 10 giờ trong ngày là phù hợp. Nếu điều chỉnh quy định thời gian lái xe kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ như dự thảo sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp”, ông Quyền nói.

Hiện cả nước có gần 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải bằng ôtô được cấp phép với khoảng 900.000 phương tiện. Trong đó, hơn 308.700 xe khách và 566.800 xe tải các loại. Số lượng tài xế kinh doanh vận tải trên 1 triệu người.

MINH DUY