Nghề dắt trâu
Không phải những hình ảnh đẹp đẽ, thơ mộng như trong phim “Mùa len trâu”, những người chăn trâu, bò thuê ở các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang… có cuộc sống khá nhọc nhằn. Họ rong ruổi từ cánh đồng này sang cánh đồng khác để cắt cỏ đem vỗ béo cho đàn trâu bò trước khi đem bán.
Những ngày này, Nam bộ vào mùa mưa nhưng hầu hết các cánh đồng vùng biên giới Tây Nam vẫn chưa có nước. Nhìn từ xa, cỏ mọc xanh mướt những cánh đồng hoang hoải, trải dài từ Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa cho tới Vĩnh Hưng, Tân Hưng (tỉnh Long An) rồi tràn qua cả Tân Hồng, Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) hay Giang Thành, Tịnh Biên (An Giang)… Trên cánh đồng vùng biên ấy, những đàn trâu lầm lũi gặm cỏ, như một bức tranh phong cảnh miền quê yên bình. Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề chăn trâu ở đây rất phát triển do trâu bò bên nước bạn Campuchia nhiều, giá rẻ được mua về. Tuy nhiên, hầu hết trâu bò mua từ bên kia biên giới có giá trị kinh tế thấp, thường gầy gò. Chúng thường được chăn thả khoảng 2-5 tháng để béo tốt trước khi được giết thịt bán. Đó cũng là lý do khiến nhiều nông dân ở vùng biên xa xôi có thêm công ăn việc làm. Một trong số đó là ông Phạm Văn Công, 52 tuổi ở xã Bình Thạnh (huyện Tân Thạnh, Long An).
Ông Công cho biết: Ở đây trâu bò nhiều lắm, hầu hết đều mua từ Campuchia về. Trâu bò ở đây cũng được chăn thả quanh năm. Tuy nhiên từ đầu mùa mưa thì nhiều hơn vì cỏ nhiều, xanh tốt. Như cách đây 2 tuần, tôi có nhận thêm 40 con trâu của một người quen trên Tân Hiệp để chăm sóc, vỗ béo. Trâu bên đó nhiều nhưng chỉ là trâu “cỏ” nên thường phải chăm sóc khoảng tháng rưỡi, hai tháng mới có thể bán được. Nếu trâu bò nhỏ thì mất gần nửa năm. Mỗi con như thế mình được tiền công một triệu đồng. Tuy nhiên nếu không may làm mất, làm chết trâu của người ta thì phải đền cho họ.
Cũng theo lão nông này, trước đó ông đã có 40 con trâu, gồm 16 con của nhà và 24 con nhận chăn thả cho mấy người khác.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người chăn thả trâu bò gọi đây là nghề “dắt trâu bò thuê” bởi dù có bỏ vốn mua hay không thì họ chỉ chăm sóc chúng vài tháng rồi bán lại cho thương lái. Các thương lái này sau đó thường mua đem về các lò mổ ở thành phố để tiêu thụ, chế biến các sản phẩm từ thịt trâu bò. Hiện nay, do đang vào mùa cỏ nên rất dễ dàng bắt gặp các đàn trâu bò. Do phong tục canh tác thường chỉ một vụ lúa trong năm nên những cánh đồng bên Campuchia thường có nhiều cỏ tốt hơn.
Ông Công cho biết, trâu bò thường có tập quán di chuyển theo đàn nên người chăn có thể quản lý hàng trăm con. “Đợt này đàn của tôi chỉ có 80 con chứ như hồi trước tết vừa rồi, một mình tôi nhận tới 150 con. Cũng chỉ mất khoảng tuần đầu, trâu chưa quen đàn thì vất vả. Nhưng cũng phải cần 2 người mới lùa hết được. Thường thì mình lùa trâu bò ăn cỏ dọc kênh Trung Tâm, men theo lên tới khu Tám Tám là quay về. Mấy hôm nay trời mưa buổi chiều thì phải gọi thêm bà xã với thằng út chạy xe gắn máy phụ. Chứ lạc mất một con là coi như cả tháng làm không công”, ông Công cho biết thêm.
Từ khu vực xã Bình Thạnh, chúng tôi di chuyển về Thạnh Trị, Bình Hiệp, Hưng Điền… (Long An). Ở đây cũng thấp thoáng những đàn trâu bò do người dân chăn thả, dù chúng ít hơn ở khu vực phía trên. Một phần do khu vực này trũng thấp, nhiều cánh đồng ngập nước hay sình lầy ngay cả trong mùa khô khiến việc chăn thả khó khăn hơn. Và nơi đây cũng xa các đô thị lớn, khiến cho việc bán trâu bò sau khi nuôi tốn chi phí hơn. Tuy nhiên, ở đây thậm chí những cậu bé chỉ 14, 15 tuổi cũng có thể làm được công việc này. Bởi với tập quán tự nhiên của trâu bò, sau khi ăn chúng thường đầm mình vào các khu vực có nước để tắm mát, rất ít khi di chuyển. Hay nếu có di chuyển thì chúng cũng lại tìm về những vùng nước trũng đó, giúp cho người chăn thả dễ dàng quan sát hơn.
Theo anh Nguyễn Văn Hòa, 32 tuổi ngụ tại xã Hưng Điền B (huyện Tân Hưng, Long An), một thương lái làm nghề buôn bán trâu bò cho biết, hiện anh cũng gửi khoảng 30 con trâu, bò cho mấy người quen ở gần nhà chăn thả. “Trâu bò mua về không phải tự nhiên mà chúng lớn lên, béo tốt được. Mình phải chăm sóc kỹ lắm, còn làm chuồng trại, lán che cho chúng ở nữa. Mùa mưa mà chuồng thấp, chúng bệnh rồi chết thì coi như mất vốn. Mà mình bỏ tiền thuê người dắt trâu bò rồi nhưng vẫn phải mua thêm cỏ để chúng ăn vào buổi tối. Bây giờ chăm nhanh thì cuối năm bán mấy lò mổ dịp tết mới kịp”, anh Hòa cho biết. Cũng theo người đàn ông này, nghề mua bán trâu bò ở đây có từ xa xưa. Như bản thân anh cũng được cha truyền nghề. Tuy nhiên nếu xưa kia người mua thường chọn lựa trâu bò to khỏe, quan sát đuôi, chân, trán, mắt thì ngày nay người mua chủ yếu chọn giống, màu da. Bởi trâu bò hiện nay nuôi để lấy thịt chứ không làm sức kéo như trước. Tuy nhiên nếu không rành, mua phải trâu bò bệnh, ốm thì rất dễ thua lỗ.
Dắt trâu, dù là nghề đơn giản nhưng từ bao năm qua vẫn gắn bó với người nông dân.