Gen Z và xu hướng ‘nhảy việc’
Hiện nay, bên cạnh thế hệ nhân sự lành nghề, thì số lượng nhân sự gen Z (chỉ những người sinh từ năm 1997 đến 2012) cũng đang chiếm phần lớn tại các doanh nghiệp. Theo thống kê, tại Việt Nam, gen Z có khoảng 15 - 16 triệu người, chiếm khoảng 25% lực lượng lao động và con số này dự kiến tăng lên 30% vào năm 2030.
Vỡ mộng và... nghỉ việc
Theo kết quả khảo sát của Anphabe, có tới 62% các bạn trẻ nhảy việc ngay trong năm đầu tiên đi làm, thậm chí có gen Z còn nhảy việc nhiều lần trong cùng một năm. Trên thực tế, câu chuyện về sự "vỡ mộng" khi đi làm thế hệ nào cũng sẽ từng trải qua, thế nhưng xu hướng nhảy việc lại xảy ra chóng vánh hơn ở thế hệ gen Z. "Đi làm - vỡ mộng - nghỉ việc" là vòng lặp nhiều bạn trẻ gen Z đang gặp phải. Theo các chuyên gia lao động, với việc làm khi vừa ra trường, ứng viên trẻ sẽ cần khoảng 1 năm để làm quen, tìm hiểu công việc. Năm thứ 2, mới có thể đảm nhận tốt công việc, học hỏi, trải nghiệm và năm thứ 3 trở đi mới có thể đóng góp đáng kể. Nếu thời gian ngắn, doanh nghiệp cũng khó để hoạch định thời gian phát triển cho nhân sự trẻ.
Thế nhưng vẫn có rất nhiều lý do để gen Z lựa chọn “nhảy việc”. Tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương với tấm bằng giỏi, Quang Huy 23 tuổi - một bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z dễ dàng xin việc vào một công ty tài chính tại Hà Nội. Đây đã là nơi làm việc thứ 2 của Huy trong năm nay. Tuy nhiên, mới chỉ đi làm được 2 tháng, Huy đã xin nghỉ việc với lý do: Tính chất công việc chưa phù hợp với định hướng cá nhân, mong muốn tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân.
Theo Quang Huy, khác với thế hệ trước khi người lao động có xu hướng “an phận” trong công việc, thế hệ trẻ như Huy giờ đây có thể tiếp cận vô vàn các cơ hội việc làm không những mới lạ, thú vị mà còn với mức thu nhập hấp dẫn… Vì vậy, không lạ khi người trẻ sẵn sàng nhảy việc nhiều lần trong các năm đầu đi làm để tìm một bến đỗ lý tưởng.
Ngoài tìm kiếm công việc phù hợp với sở thích, khả năng thì nhiều bạn trẻ nhảy việc bởi lý do lớn nhất là chế độ lương thưởng không như mong đợi và tính chất môi trường không phù hợp với sở thích và năng lực. Bên cạnh đó “cái tôi” cũng là một điều kiện thúc đẩy. Tuy có nhu cầu học hỏi và phát triển nhưng nhiều bạn lại ngại bị phê bình, không chịu được áp lực phải thay đổi, hiểu được vấn đề của bản thân nhưng mơ hồ, bảo thủ về cách giải quyết hay tự tin thái quá về năng lực của bản thân... Đây là một biểu hiện rất rõ về việc đánh giá “cái tôi” quá cao của gen Z trong mắt các thế hệ trước.
"Đứng núi này, trông núi nọ"
Thạc sĩ, chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương chỉ ra rằng: "Gen Z có nhiều điểm mạnh, nhưng mạnh quá sẽ thành điểm yếu. Gen Z cá tính nhưng cá tính quá, cá tính đến mức thiếu tôn trọng người khác, bất chấp tất cả thì không ổn. Cá tính nhưng phải tôn trọng những giá trị phổ quát của xã hội, cá tính phải có giới hạn”.
Đánh giá vấn đề gen Z “nhảy việc”, từ góc nhìn khác, bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe cho rằng, các bạn trẻ bây giờ có điều kiện tốt hơn nhưng chịu áp lực luôn phải cạnh tranh, đối diện với nỗi sợ FOMO (bỏ lỡ cơ hội).
“Đó là cảm giác thiếu tự tin khi thấy xung quanh có quá nhiều người thành công vì các em thường xuyên lạc trôi giữa biển thông tin từ mạng xã hội với hình ảnh, câu chuyện thành công của nhiều người và lại có vẻ vô cùng dễ dàng, nhanh chóng. Do đó, gen Z dễ bị cảm tính, đứng núi này trông núi nọ, tự áp lực chạy theo lương cao, việc tốt hơn và làm trầm trọng hơn vòng luẩn quẩn nhảy việc”.
Chính từ những câu chuyện "nhảy việc" chóng mặt, nhiều người có suy nghĩ không mấy tích cực đối với những bạn trẻ thuộc thế hệ này. Nhiều người cho rằng gen Z quá tự tin vào năng lực và có sức chịu đựng kém hơn các thế hệ đi trước.
Lý giải về tâm lý gen Z, chuyên gia tâm lý Hồ Lâm Giang cho rằng, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định “nhảy việc” của gen Z trong đó có cả những lý do khách quan và chủ quan.
“Một điều nữa là gen Z luôn có những khát vọng, đó là được trải nghiệm, được thể hiện mình để tìm ra cái tôi cũng như bản sắc cá nhân của mình. Do vậy, các bạn mong muốn được thử sức ở nhiều môi trường để có thêm nhiều những trải nghiệm thú vị” - chuyên gia tâm lý Hồ Lâm Giang phân tích.
Với điều kiện được sinh ra, lớn lên trong kỷ nguyên số, gen Z đang là thế hệ vàng lao động của Việt Nam vì vậy các bạn trẻ cần tiếp tục phát huy các thế mạnh của mình như lòng đam mê, nhiệt huyết và sự tự tin trong công việc. Song cũng cần có sự cân bằng giữa điều mình muốn và điều mình cần. Sự cân bằng đó sẽ khiến bản thân tuân thủ kỷ luật hơn và sẽ dễ dàng kết hợp thành các nhóm mạnh mẽ và hoàn thiện hơn, đem lại hiệu quả tốt nhất cho công việc.