Bảo vệ ‘tấm vé thông hành’ cho nông sản
Thời gian qua, nhiều diện tích cây ăn quả tại các địa phương trên cả nước được cấp mã số vùng trồng. Việc các sản phẩm nông sản được cấp mã số vùng trồng đã và đang tạo nên nhiều cơ hội cho nông sản nước nhà vươn ra thị trường thế giới.
Gia tăng mã số vùng trồng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NNPTNT) tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm đến nay Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT đã cấp 43 mã số vải thiều xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như: Australia, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Các mã vùng trồng vải thiều Bắc Giang được cấp xuất khẩu sang các thị trường như: Australia, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, với tổng diện tích trên 1.000 ha. Trong số đó, huyện Tân Yên được cấp 21 mã với diện tích 739,29ha; huyện Yên Thế được cấp 3 mã với diện tích 40,37ha; huyện Lục Ngạn được cấp 18 mã với diện tích 240,35ha; huyện Sơn Động được cấp 1 mã với diện tích 36,1ha.
Như vậy, đến nay Bắc Giang có 221 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu, với tổng diện tích trên 17.700 ha (chiếm hơn 50% diện tích); trong đó thị trường Trung Quốc 129 mã (diện tích hơn 16.000 ha), còn lại là thị trường Nhật Bản 38 mã, Hoa Kỳ 17 mã, Thái Lan 19 mã và Australia 18 mã.
Còn tại tỉnh Bình Phước, Sở NNPTNT tỉnh cho hay, trong tháng 7/2023, có 23 mã số vùng trồng được cấp cho các hợp tác xã nông nghiệp; trong đó có 21 mã số vùng trồng sầu riêng với 695 ha, sản lượng 13.912 tấn/năm; có 2 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số, với công suất đóng gói từ 60 - 300 tấn/ngày.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Bình Phước đã có tổng cộng 48 mã số vùng trồng được cấp chứng nhận, với tổng diện tích 3.800ha, sản lượng 134.753 tấn nông sản/năm. Nông sản từ vùng trồng được cấp chứng nhận của Bình Phước được xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong số 48 mã số vùng trồng được cấp, sầu riêng có 38 mã số, thanh long 1 mã số, nhãn 1 mã số, xoài 1 mã số, chuối 4 mã số và mít 3 mã số.
Còn tại tỉnh Vĩnh Long, theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nguyễn Văn Liêm, mã số vùng trồng được xem là “tấm vé thông hành” cho nông sản xuất khẩu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Tính đến tháng 5/2023, toàn tỉnh có 107 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng, nhiều nhất là mặt hàng khoai lang.
Là một trong những hợp tác xã (HTX) cây ăn trái đầu tiên được cấp mã số vùng trồng từ năm 2015, đến nay, HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ), đã có 36/42ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, New Zealand. Để được cấp mã số vùng trồng, 77 nông dân tham gia đều canh tác chôm chôm theo chuẩn GlobalGAP. “Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp tiêu thụ hàng hóa ổn định hơn, mà còn từng bước chuẩn hóa hoạt động trồng trọt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, thúc đẩy các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu, hạn chế rủi ro từ việc cung vượt cầu, được mùa, mất giá”, ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước cho biết.
Có thể nói, việc xây dựng mã số vùng trồng đã giúp chuyển biến nhận thức của các nhà vườn, người nông dân trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Đây cũng là “tấm hộ chiếu” quan trọng để các sản phẩm nông sản của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới với số lượng nhiều hơn, chất lượng hơn và uy tín hơn.
Tuân thủ nghiêm các quy định
Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng diện tích mã số vùng trồng với nhiều sản phẩm được cấp “tấm vé thông hành” ra thị trường thế giới, vẫn còn tình trạng nhiều mã số vùng trồng bị thu hồi tại nhiều địa phương. Thời gian qua, đã có hơn 700 mã số vùng trồng bị thu hồi lại, nguyên do là bởi, nhiều cơ sở sau khi được cấp mã số vùng trồng, đóng gói đã không chủ động duy trì được chất lượng, dẫn đến việc bị thu hồi. Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và xuất khẩu.
Đáng lưu ý, theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong thời gian qua nhiều nước nhập khẩu liên tục nâng cao các rào cản kỹ thuật, yêu cầu sản phẩm phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để buộc chúng ta nâng cao chất lượng sản phẩm. Thế nhưng tại địa phương, nhiều tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung vào công tác mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát các vùng nhằm đảm bảo tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Có tình trạng một số hồ sơ ở các địa phương khác nhau, trên các đối tượng cây trồng khác nhau lại giống nhau đến 99%... Nhiều trường hợp hồ sơ làm rất bài bản nhưng hoàn toàn không đúng theo yêu cầu của sản phẩm hoặc thị trường xuất khẩu.
Nhận định về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng việc không tuân thủ nghiêm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đặt ra nhiều thách thức đối với việc xuất khẩu sản phẩm trồng trọt của Việt Nam, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ bị dừng xuất khẩu toàn ngành hàng. Chính vì vậy, để đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu xuất khẩu, tất cả các bên liên quan trong chuỗi cần hiểu rõ quy định và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết. Trong thời gian tới phải quản lý chặt chẽ hơn nữa vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói.
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian qua Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố mã số vùng trồng. Đồng thời phối hợp với các chi cục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu để kiểm soát chặt chẽ. “Tuy nhiên, để công tác quản lý đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự đồng hành của các địa phương, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng như các hiệp hội ngành hàng trong vấn đề quản lý mã số đã được cấp” - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt nêu quan điểm.