Mùa của những sự tột cùng
Nắng nóng, cháy rừng và lũ lụt khiến mùa hè năm 2023 được các chuyên gia của Tổ chức Khí tượng thế giới (WOM) gọi là "mùa của những sự tột cùng". Bà Clare Nullis - phát ngôn viên của WMO cho biết biến đổi khí hậu đã ở mức cực đoan khi nền nhiệt tháng 7 được ghi nhận nóng nhất trong lịch sử.
Trong loạt cập nhật về thời tiết cực đoan, WMO cho rằng sóng nhiệt là một trong những yếu tố nguy hiểm nhất gây tử vong cho hàng nghìn người. Nhiệt độ mặt nước biển ở Địa Trung Hải tăng cao đặc biệt, một số nơi đã vượt quá 30 độ C.
Nắng nóng gây cháy rừng, cho dù ở thời điểm gần giữa tháng 8. Canada đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất được ghi nhận với hơn 650 vụ cháy rừng đã vượt khỏi tầm khống chế. Cháy rừng còn hoành hành ở châu Âu, buộc hàng ngàn cư dân và du khách trên các đảo Rhodes, Evia và Corfu của Hy Lạp phải tháo chạy.
Ông Stefan Uhlenbrook - phụ trách vấn đề về thủy văn, nước và tầng lạnh của WMO, cho biết, khi hành tinh nóng lên chúng ta có thể sẽ thấy các trận mưa ngày càng dữ dội hơn, thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn, dẫn đến lũ lụt lớn hơn.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas lưu ý, thời tiết khắc nghiệt ngày càng thường xuyên trong điều kiện khí hậu nóng lên đang tác động lớn đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước. “Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang sống trong mùa của những sự tột cùng”.
Thời tiết khắc nghiệt đã gây hỗn loạn ở Bắc và Nam Âu khi mà lính cứu hỏa trên đảo Sardinia (Italy) phải nỗ lực để kiểm soát một loạt các đợt bùng phát cháy rừng trong khi những cơn gió mạnh ào ạt thổi qua Địa Trung Hải. Tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, nhiệt độ liên tục kéo dài trên 40 độ C, cao hơn 15 độ C của chu kỳ bình thường tháng 8 hàng năm. Trong khi đó, mưa lũ lại tấn công Slovenia. Thủ tướng Robert Golob đã mô tả những trận mưa xối xả và lũ lụt nghiêm trọng tấn công quốc gia 2 triệu dân trên dãy núi Alps này là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập 30 năm trước. Cơn bão "Hans" cũng tràn vào Na Uy với những trận mưa như trút. Ngoại ô Oslo, hàng đoàn dài ô tô chôn chân trong nước. Tại Đan Mạch, mưa lớn bao phủ đảo Bornholm rồi quét tới thủ đô Copenhagen.
Trong khi đó, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UEA) - một quốc gia châu Á, lại mù mịt bởi những trận bão cát dày đặc, những trận mưa lớn dữ dội và mưa đá cùng lúc tấn công. Dubai, thành phố giàu có và xa xỉ bậc nhất thế giới trong 1 ngày phải chịu 3 hình thái thời tiết khác nhau. Trung tâm quan sát thời tiết và biến đổi khí hậu Al-Ashfa ghi nhận khu vực Al Marmum của Dubai mưa to và gió lớn nước ngập đường phố.
Còn tại Trung Quốc, cơ quan chức năng cho biết có tới 85 con sông ở quốc gia này vượt mức cảnh báo, có sông vượt cả đỉnh lũ. Tại tỉnh Hắc Long Giang, chính quyền phải phát 2 cảnh báo màu vàng trước nguy cơ lũ quét và thảm họa địa chất. Một số khu vực của tỉnh này, bao gồm các khu vực đô thị của thành phố Mẫu Đơn Giang phải đương đầu với lũ quét. Đoạn Giang Kiều của sông Nộn Giang nước dâng tràn. Đoạn Giai Mộc Tư của sông Tùng Hoa người ta không còn nhận ra dòng sông.
Nhưng, trong sự khác thường của thời tiết lại xuất hiện sự kỳ lạ ở hồ Tulare (California, Mỹ). Hồ này còn được gọi là “hồ ma” khi nó đã chết từ nhiều chục năm trước do không có nước. Mùa hè này “hồ ma” bỗng hồi sinh do những trận mưa cực kì lớn kể từ sau những cơn bão mùa đông dữ dội và dòng chảy từ Sierra Nevada phủ đầy tuyết.
Khi “hồ ma” tái sinh, vịt, cò và nhiều loại chim đã đổ xô đến. Hệ sinh thái bị lãng quên từ lâu được hồi sinh.
Cảnh sát trưởng Nate Ferrier nói với tờ Los Angeles Times rằng khi hồ xuất hiện, nó đã cho chúng ta thấy một khung cảnh choáng ngợp trước quy mô và sự nảy nở vô cùng nhanh chóng của cây cỏ. Trước sự kì diệu “chết đi sống lại” của “hồ ma”, người dân đã nhanh chóng tới dựng những căn nhà tạm. Họ lướt trên mặt hồ với những chiếc thuyền máy để chứng kiến dấu hiệu mới của sự sống hòa lẫn vào dấu hiệu của một sự sống khác đã bị nước lũ nhấn chìm. Cò vỗ cánh, còn vịt trời bơi ngang qua, lao đầu xuống nước tìm thức ăn. Bướm vàng bay lượn trên mặt nước.
Rose Mary Rahn - Giám đốc Sở Y tế công cộng hạt Kings nói rằng, trong bối cảnh thời tiết cực đoan đem tới khủng hoảng thì sự hồi sinh bất ngờ của “hồ chết” lại cho chúng ta niềm hy vọng.
Giới khoa học cảnh báo lượng băng tại Nam Cực đã giảm xuống mức thấp kỷ lục do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, song sẽ không có biện pháp nào giúp khắc phục. Nhóm nghiên cứu địa chất Mỹ - Anh đã công bố trên tạp chí Frontiers in Environmental Science rằng diện tích băng tối thiểu ở Nam Cực vào mùa hè này đã giảm xuống dưới 2 triệu km2 lần đầu tiên kể từ khi quá trình giám sát bằng vệ tinh bắt đầu vào năm 1978. Theo nhà khoa học khí hậu của Caroline Holmes (người Anh) có thể chúng ta đã không thể “quay đầu trở lại” như trước khi mà diện tích băng Nam Cực tan chảy đã gấp gần 10 lần diện tích lãnh thổ New Zealand.