Quảng Ninh: Phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa ở thành phố ‘thủ phủ’
Đảm bảo đủ giáo viên nơi vùng sâu, vùng xa vừa là thách thức, vừa là động lực để nền giáo dục tại TP Hạ Long – “thủ phủ” của tỉnh Quảng Ninh phát triển và gặt hái thêm nhiều kết quả vượt trội.
Vượt khó khăn, chinh phục thách thức
TP Hạ Long là “thủ phủ” của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt với sự sáp nhập thêm huyện Hoành Bồ thì không gian trên địa bàn đã tăng gấp 4 lần so với trước kia. Điều này mang đến nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế nhưng cũng đặt cho nền giáo dục bài toán đảm bảo nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất – hạ tầng phục vụ công tác dạy và học.
Trên thực tế, nền giáo dục của Hạ Long đang chịu sức ép rất lớn từ quá trình đô thị hóa, số lượng học sinh trong độ tuổi đi học tăng nhanh nhưng số lượng giáo viên, cán bộ quản lý lại giảm. Cùng với đó, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận cán bộ, giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế.
Trao đổi tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh bày tỏ niềm vui mừng khi các cấp chính quyền TP Hạ Long đã luôn quan tâm, chỉ đạo và có nhiều giải pháp phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực giáo dục.
Trong thời gian qua, TP Hạ Long đã nỗ lực trong việc tham mưu và bố trí ngân sách để nâng cấp cơ sở giáo dục, đồng thời chủ động phương án sáp nhập Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hoành Bồ vào Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ninh. Điều này đã góp phần tinh giảm tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đầu tư, phát triển.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đặc biệt ghi nhận sự nỗ lực của các cấp thành phố trong việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, giáo viên. Trong năm học qua, TP Hạ Long đã hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu năm học đề ra. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 94,6%, trên chuẩn là 28,8%, con số này đều cao hơn mức trung bình của tỉnh. Song hành với đó, việc ban hành quy định và bổ sung các giải pháp trong việc điều chỉnh giáo viên đến các khu vực vùng sâu, vùng xa được chú trọng với nhiều cách làm sáng tạo như tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, luân chuyển luân phiên, chia sẻ khó khăn để giúp giáo viên ổn định cuộc sống…
Kỳ vọng năm học mới
3 năm gần đây là thời điểm ngành Giáo dục trong tỉnh có nhiều biến động, nhất là theo chiều hướng bất lợi, đặt cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô đối diện nhiều khó khăn và thử thách chưa từng có. Trong điều kiện đó, với sự cố gắng và đoàn kết của đội ngũ giáo viên ngành giáo dục TP Hạ Long nói riêng và toàn tỉnh Quảng Ninh nói chung thì mục tiêu “bám lớp, bám trường” vẫn được hoàn thành, mang đến niềm tin cho phụ huynh, học sinh.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc phân bổ đội ngũ giáo viên đến những vùng sâu, vùng xa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thúy cho biết: “Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Sở Nội vụ để ban hành chính sách công chức đặc thù cho đội ngũ cán bộ, giáo viên vùng sâu, vùng xa. Để chia sẻ khó khăn, sẽ có những giải pháp được đưa ra để hỗ trợ giáo viên như tạo điều kiện sinh hoạt, đi lại…”.
Vượt qua thách thức và chủ động trong từng giải pháp, chiến lược, TP Hạ Long đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 90% trường chuẩn quốc gia. Việc đạt được mục tiêu này sẽ là minh chứng rõ nét cho sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, gồm cơ sở vật chất đạt chuẩn, đội ngũ lãnh đạo, quản lý và giáo viên, chất lượng giáo dục và hiệu quả công tác xã hội hóa mọi nguồn lực.
Song hành cùng hoạt động phân bổ giáo viên, Bí thư Thành uỷ Hạ Long Vũ Quyết Tiến cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho học sinh. Với đặc thù là địa phương du lịch trọng điểm du lịch, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách du lịch, Bí thư Thành ủy Hạ Long hy vọng rằng trong thời gian tới, việc học sinh trên địa bàn thành phố nói thành thạo một ngoại ngữ sẽ thành hiện thực.
Năm học sắp tới được kỳ vọng sẽ là một năm học “vượt khó khăn, chinh phục thách thức” trên mọi phương diện, từ thách thức về phân bổ giáo viên, cơ sở hạ tầng đến việc tăng cường chuyển đổi số trong công tác quản lý, dạy và học hay nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, quản lý và xử lý các vi phạm trong hoạt động giáo dục... Đặc biệt, TP Hạ Long đã và đang đưa ra nhiều đề án để nâng cao chất lượng thi học sinh giỏi, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để đảm bảo sự phát triển toàn diện, học gắn liền với hành cho lớp thế hệ tương lai của tỉnh nhà.