Chim cánh cụt và những khối băng tan
Tổ chức Hòa bình xanh đã kêu gọi Liên hợp quốc cam kết bảo vệ 30% các đại dương của thế giới vào năm 2030. Đây là hành động cần thiết để ngăn chặn thiệt hại do hoạt động của con người gây ra với môi trường.
Đáng chú ý, sự tan chảy của các tầng đất đóng băng vĩnh cửu đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu.
Thống kê cho thấy, số lượng chim cánh cụt (loài quai mũ) tại khu vực Đảo Voi hiện đã giảm mạnh khoảng 60% kể từ cuộc khảo sát cuối cùng vào năm 1971, chỉ còn chưa đến 53.000 cặp sinh sản. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở lục địa này vào khoảng 18,3 độ C, khiến băng tan nhanh, ảnh hưởng xấu tới sinh tồn và phát triển của nhiều loài, trong đó có chim cánh cụt.
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Nam Phi cho biết, sẽ áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trong 10 năm ở những khu vực gần các đàn chim cánh cụt nhằm bảo vệ loài động vật này trước nguy cơ tuyệt chủng. Bộ trưởng Môi trường - Lâm nghiệp và Thủy sản Nam Phi Barbara Creecy nhấn mạnh, chim cánh cụt châu Phi đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp. So với số lượng hàng triệu cá thể cách đây 1 thế kỷ thì tới nay chỉ còn khoảng 10.000 con.
Cạnh tranh về thức ăn được cho là một trong những lý do chính dẫn đến xu hướng suy giảm, ngoài ra ô nhiễm môi trường do giao thông tàu thuyền và sự xuống cấp của môi trường làm tổ phù hợp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định dịch bệnh và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, như mưa lớn cuốn trôi tổ và chim non cũng gây ra thiệt hại nặng nề đối với các quần thể chim cánh cụt châu Phi.
Còn tại Uruguay, chỉ trong vòng 10 ngày người ta đã phát hiện khoảng 2.000 con chim cánh cụt chết, trôi dạt vào bờ biển phía đông nước này. Bộ Môi trường Uruguay cho biết, những con chim cánh cụt Magellan, chủ yếu là chim non, đã chết ở Đại Tây dương và bị dòng nước đẩy dạt vào các bờ biển. Nguyên nhân khiến chim Magellan chết gia tăng là do thiếu thức ăn và thời tiết khắc nghiệt.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một trầm trọng, mà số phận của loài chim cánh cụt là một ví dụ điển hình. Tổng diện tích hành tinh khoảng 510 triệu km2, trong đó diện tích đại dương chiếm tới 71%. Nếu như các đại dương tiếp tục nóng lên thì không chỉ các rạn san hô bị tẩy trắng, các loài sinh vật biển rơi vào nguy cơ nguy hiểm, mà con người cũng bị ảnh hưởng. Nếu như con người không nắm tay nhau bảo vệ Mẹ thiên nhiên mà rời rã như những khối băng, thì không chỉ chim cánh cụt bị nguy hiểm mà chính loài người cũng gặp nguy hiểm.