Hài hòa lương tối thiểu

H.Vũ 14/08/2023 07:05

Mới đây, Hội đồng tiền Lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Dự kiến, mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ được thương lượng cụ thể vào phiên họp tháng 11/2023. Xung quanh vấn đề này, vẫn còn khá nhiều ý kiến.

Tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo cho người lao động có được mức sống tốt hơn. Ảnh: Quang Vinh.

Theo khảo sát của Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đời sống của người lao động hiện rất khó khăn, nhất là thời điểm từ sau dịch Covid-19 đến nay. Mức lương cơ bản trung bình của người lao động hiện nay khoảng hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chưa kể làm thêm và chưa tính các khoản phụ cấp. Còn về thu nhập trung bình của người lao động, tức là bao gồm cả tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp thì khoảng hơn 7,8 triệu đồng/ tháng. Mặc dù mức thu nhập này thực tế khảo sát là cao hơn mức thu nhập của người lao động năm ngoái, tuy nhiên, mức chi tiêu của người lao động cho cuộc sống đã tăng do lạm phát và các yếu tố khác.

Do tiền lương và thu nhập không đáp ứng được nhu cầu chi phí sinh hoạt cơ bản hàng tháng nên nhiều người lao động phải vay tiền để trang trải các chi phí. Nhiều người còn phải rút bảo hiểm xã hội một lần.

Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội, mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ được Hội đồng Tiền lương quốc gia thương lượng cụ thể vào phiên họp tháng 11 tới.

Về việc lùi thời gian chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng sang quý IV/2023, theo bà Nga đang có 2 vấn đề. Thứ nhất, doanh nghiệp hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn phải đóng cửa, giải thể hoặc hoạt động cầm chừng. Do đó nếu tăng lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp sẽ khó khăn “kép”

Thứ hai về phía người lao động thì mức lương tối thiểu vùng bây giờ vẫn còn khá thấp. Trong khi giá cả mặt hàng liên tục biến động. “Đối với các doanh nghiệp vấn đề giữ chân người lao động là vấn đề khá quan trọng. Do đó nếu tăng lương thì người lao động được bù đắp phần nào, và gắn bó với doanh nghiệp. Vì thế trong giai đoạn này tăng lương cho người lao động là cần thiết” - bà Nga cho hay.

Trả lời về việc lương cơ sở đã tăng từ 1/7/2023 và cán bộ công chức, viên chức đã được hưởng nhưng lương tối thiểu vùng nếu không tăng sẽ gây “tâm tư” đối với người lao động, bà Nga cho rằng: Lương đối với cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước tăng từ 1/7/2023 nhưng đã lỡ hẹn 2 năm. Bởi theo kế hoạch phải tăng từ 2021. Điều chỉnh lương cơ bản khác so với lương tối thiểu vùng ở chỗ lương tối thiểu vùng được điều chỉnh hàng năm. Còn lương của cán bộ công chức, viên chức xem xét theo từng giai đoạn.

Liên quan đến việc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị chưa tăng lương tối thiểu vùng 2024; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị mức 5-6%; còn người lao động đề nghị tăng ở mức 11%, bà Nga cho rằng bao giờ tăng, tăng bao nhiêu cần phải nhìn nhận một cách tổng quan.

Theo bà Nga, phía VCCI muốn lùi thời gian tăng do hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Nhưng mức lương tối thiểu vùng là mức lương để cho người lao động có thể sống được ở mức tối thiểu. Vì thế, Chính phủ cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ như thế mới đảm bảo được 2 chiều. Đó là doanh nghiệp bớt khó khăn, còn khó khăn của người lao động được cải thiện trước áp lực của cuộc sống khi giá cả tăng mà lương thì chưa tăng.

Ổn định giá khi người lao động chưa được tăng lương tối thiểu vùng

Liên quan đến việc giá cả hàng hoá đã nhích lên trong khi lương tối thiểu vùng 2024 chưa tăng và người lao động đang gặp nhiều khó khăn, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng: Kiểm soát giá cả là một bài toán không dễ dàng vì đang thực hiện cơ chế thị trường theo định hướng XHCN. Đã là cơ chế thị trường thì giá cả phải điều tiết theo quy luật của thị trường. Tuy nhiên Chính phủ có thể sử dụng các biện pháp vĩ mô để làm sao bình ổn giá cả trong khả năng cho phép. Thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực trong bình ổn giá cả. Thời gian tới, Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn trong điều hành kinh tế vĩ mô, không chỉ tập trung bình ổn giá cả theo kiểu nhà nước bù giá cho các mặt hàng thiết yếu mà điều quan trọng hơn cả là phải có phương pháp nâng cao năng suất lao động, cải tiến dây chuyền công nghệ. Như thế sẽ hạ giá thành sản phẩm, kiểm soát được giá cả.

H.Vũ