Lắng nghe để hiểu nhau hơn
Thông tin đang thu hút sự chú ý của nhiều người là ngày 15/8 tới đây, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đối thoại trực tiếp với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành giáo dục cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng đây phải coi là “sự kiện lớn” của ngành giáo dục ngay trước khi năm học mới 2023-2024 bắt đầu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cuộc đối thoại là một trong những hoạt động quan trọng hướng đến thực hành dân chủ trong ngành giáo dục. Đây cũng được coi là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi về những vấn đề trong hoạt động của ngành. Cuộc đối thoại cũng là cơ hội để Bộ trưởng GDĐT nắm bắt được thực trạng của việc chỉ đạo, vận hành giáo dục ở các địa phương thông qua những phản ánh trực tiếp của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ở cơ sở.
Được biết, để chuẩn bị cho buổi đối thoại, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã dành ra 1 tháng lấy ý kiến người lao động toàn ngành; đã nhận được 6.200 ý kiến gửi về. Cuộc đối thoại gồm 2 phiên: phiên 1 đối thoại với giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông (buổi sáng) và phiên 2 đối thoại với giảng viên đại học (buổi chiều, ngày 15/8). Nội dung đối thoại xoay quanh 3 vấn đề chính. Thứ nhất là công tác quản lý và chỉ đạo của Bộ GDĐT. Thứ hai, những khó khăn, bất cập trong công tác giảng dạy, lương, phụ cấp cho nhà giáo. Thứ ba, giải pháp của Bộ trưởng và Bộ GDĐT về những tồn tại trong thời gian qua.
Đối thoại diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu đặt tại Bộ GDĐT và 63 tỉnh thành trên cả nước.
Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh số lượng giáo viên bỏ việc thời gian qua tiếp tục tiếp tăng. Đặc biệt, làn sóng giáo viên nghỉ việc ở các trường công lập vẫn có chiều hướng tiếp diễn. Trong 19.300 giáo viên nghỉ năm 2022-2023 thì có tới 9.295 giáo viên nghỉ việc, còn lại 10.094 người nghỉ hưu theo chế độ.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến hết năm học 2022-2023, cả nước có 1.234.124 giáo viên mầm non và phổ thông (tăng 71.927 người so với năm học 2021-2022). So chỉ tiêu đặt ra, cả nước vẫn còn thiếu 118.253 giáo viên đứng lớp, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021-2022. Trong đó, cấp mầm non tăng 7.887 giáo viên, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207, cấp THPT tăng 2.045 người.
Đối thoại giữa người đứng đầu ngành giáo dục với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được kỳ vọng không chỉ để “hai bên” lắng nghe, ghi nhận ý kiến của nhau mà còn là để tìm giải pháp tháo gỡ những bất cập, vướng mắc để đưa giáo dục đi lên, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân với lĩnh vực được xác định là “quốc sách”.
Trước khi cuộc đối thoại đặc biệt này diễn ra, giáo viên các bậc học đã chia sẻ nhiều tâm tư. Trước hết, đó là vấn đề lương, dẫu biết điều đó không thuộc quyền quyết định của Bộ GDĐT nhưng công tác tham mưu cần được đẩy mạnh hơn, vì không thể để thu nhập của giáo viên quá thấp so với những gì họ đã đóng góp. Trong số hơn 9.200 giáo viên nghỉ việc thì nguyên nhân chính đến từ thu nhập thấp, khiến họ không thể gắn bó với mái trường.
Nhiều giáo viên dạy học ở vùng cao, vùng sâu cho biết, họ phải chịu nhiều thiệt thòi, không “bằng chị bằng em” ở những vùng điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, ngay cả việc được tiếp thu những tiến bộ trong nghề nghiệp; hay là việc được chăm sóc sức khỏe khi công tác tại nơi có điều kiện đặc thù.
Cũng không ít ý kiến bày tỏ sự bức xúc trước vấn nạn bạo lực học đường. Đó là nỗi đau của xã hội, nhưng những người làm công tác giáo dục còn “đau” hơn. Vậy, cách nào để chấm dứt nỗi đau ấy? Phải chăng chỉ kỷ luật giáo viên, hiệu trưởng khi xảy ra sự việc là đủ? Điều đó vẫn đang áp dụng, nhưng không nhiều hiệu quả. Vậy gốc rễ vấn đề là ở đâu? Câu hỏi nhức nhối đó cần có câu trả lời một cách rõ ràng, thực chất.
Về bậc học đại học, học phí tăng thế nào trong khi 70% chi cho hoạt động đến từ nguồn học phí. Nhưng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vậy cách nào để các trường đại học chia sẻ với người học, với xã hội?
Một cuộc đối thoại trực tiếp giữa Bộ trưởng GDĐT với giáo viên cả nước không thể là “cây đũa thần” giúp giải quyết mọi vấn đề, điều đó cần có thời gian. Nhưng sự kiện này cho thấy sự nỗ lực từ các phía trong ngành Giáo dục để hiểu nhau hơn, chia sẻ nhiều hơn từ đó quyết tâm nhiều hơn. Đó là điều đáng quý nhất.