Tín hiệu tích cực từ thị trường bán lẻ
Số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây được coi là dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế khi sức tiêu thụ tăng lên.
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,7%).
Dịch vụ tiêu dùng duy trì tốc độ tăng
Đáng chú ý doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2023 ước đạt 377,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng mức và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2023 ước đạt 18,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng mức và tăng 53,6% so với cùng kỳ năm trước do tháng 7 là tháng cao điểm mùa du lịch hè.
Như vậy có thể thấy rằng, điểm quan trọng khi nhìn vào mức tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 7 tháng so với các năm trước là có sự đóng góp lớn của lĩnh vực lưu trú, và du lịch lữ hành vào mức tăng trưởng chung.
Bà Lê Thị Hiền - Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê (Tổng cục Thống kê) nhận định, nếu đánh giá đúng và nắm bắt tốt cơ hội thực hiện các chính sách thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục tạo dư địa cho tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong thời gian còn lại của năm. Các địa phương cần tích cực triển khai thực hiện quảng bá hình ảnh, sản phẩm dịch vụ du lịch và các chương trình kích cầu du lịch nhằm thu hút mạnh mẽ lượng khách quốc tế, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng khu vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình cho rằng, tiêu dùng trong nước thể hiện qua tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng khá. Nếu duy trì như tốc độ này thì tiêu dùng trong nước sẽ góp phần đóng góp rất nhiều để bù đắp cho sự suy giảm về xuất khẩu. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất cao về tiêu dùng trong nước của Việt Nam. Cụ thể, tiêu dùng của thương nhân, tiêu dùng của các doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn duy trì được tốc độ khá, sức mua của người dân ở trong nước trong vẫn tiếp tục được duy trì. Điều này cũng là cơ sở rất quan trọng để các tổ chức quốc tế đặt kỳ vọng cao tốc độ tăng trưởng của Việt Nam ở mức trung bình khá trong năm nay.
Doanh nghiệp triển khai nhiều chính sách bán hàng
Để “thúc” tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, các DN cũng đang triển khai nhiều chính sách để kích cầu tiêu dùng. Chẳng hạn hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam khuyến mãi lớn cho hơn 2.000 mặt hàng, như: Mua 2 tính tiền 1, Giờ vàng giá sốc, khuyến mãi đồng giá 40.000 đồng, giảm giá lên đến 90%... Còn hệ thống bán lẻ thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cũng khuyến mãi, giảm giá từ 10% đến mức cao nhất là mua 1 sản phẩm sẽ được tặng 1 sản phẩm cùng loại.
Các địa phương đang nỗ lực tổ chức kết nối cung cầu để tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định. Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, có các chương trình khuyến mại riêng để kích cầu thị trường. Chẳng hạn trong tháng 11, sự kiện “Tháng khuyến mại” được triển khai trên địa bàn toàn thành phố với đối tượng tham gia là các DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. Cũng trong tháng 11, sự kiện Hà Nội đêm không ngủ - Ha Noi Midnight sale 2023 diễn ra từ ngày 24 - 25 (Black Friday), thu hút khoảng 200 DN, trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi, cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Không chỉ Hà Nội, Sở Công thương các địa phương sẽ tiếp tục tổ chức chuỗi các sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại; kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm cho các DN Việt Nam, như chuỗi kết nối sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các sản phẩm làng nghề truyền thống; Hội chợ triển lãm hàng tiêu dùng...
Theo ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), nửa cuối năm, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN được triển khai, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nói rằng, để việc khuyến mại tăng cao hiệu quả và tạo niềm tin lâu dài cho người tiêu dùng, các đơn vị bán lẻ cần có kế hoạch phục vụ chu đáo, trung thực trong thực hiện, các cơ quan cho tổ chức khuyến mại cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết rút kinh nhiệm một cách thực chất, nghiêm túc cho các đợt khuyến mại tiếp theo. Sau mỗi đợt khuyến mại cần định lượng các đơn vị đã làm lợi cho người tiêu dùng được bao nhiêu giá trị, hiện vật, khen thưởng các đơn vị làm tốt, phê bình nhắc nhở các đơn vị yếu kém.
“Làm được những vấn đề cơ bản thiết thực trong công tác kích cầu trên, chắc chắn từ nay đến hết năm 2023, các đợt kích cầu tiêu dùng sẽ hiệu quả” - ông Phú nói.
Ông Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm thương mại và Công nghiệp (Bộ Công thương) thì cho rằng, cần ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, kết hợp với việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là các chương trình kết nối cung cầu trên nền tảng số.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, thời gian tới sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ DN nhận thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa, từ đó đơn vị sản xuất đưa ra sản phẩm tuân thủ quy chuẩn, chất lượng tốt nhất.
Trong khi đó ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, DN Việt Nam đang gặp khó khăn chồng chất, trong đó, khó khăn lớn nhất chính là thị trường. Trong khi thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn thì điều chúng ta có thể tác động được chính là thị trường trong nước. Một trong những biện pháp rất quan trọng hỗ trợ cho người dân và DN là áp dụng chính sách giảm thuế.
Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), các địa phương đang vào cuộc rất tích cực trong việc kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với phục hồi kinh tế trong nước. Những chương trình, những xu hướng tiêu dùng mới như chuyển đổi số khi thương mại điện tử cũng đang tích cực vào cuộc để hàng hóa tiêu dùng được thuận lợi hơn, góp phần tiết kiệm chi phí cho cả nền kinh tế trong nước.