Nỗ lực 'kéo sức mua'

PV 14/08/2023 07:45

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tới thời điểm này tốc độ tiêu dùng nội địa đã dần dần tăng trưởng trở lại. Đây là dấu hiệu tích cực vừa kích cầu tiêu dùng hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vừa đảm bảo khống chế lạm phát.

Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), mục tiêu chủ yếu đặt ra trong nước năm 2023 là hướng tới việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8 - 9%.

Tuy nhiên, những tháng còn lại của năm 2023 vẫn chưa hết khó khăn, bằng chứng là tại các thành phố lớn, nhiều cửa hàng đóng cửa, mặt bằng tại các tuyến phố kinh doanh sầm uất treo biển cho thuê. Nhiều chuỗi siêu thị liên tục giảm giá, khuyến mại nhằm nỗ lức “kéo” sức mua trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng.

Khảo sát của Công ty kiểm toán PwC Việt Nam gần đây cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn trong thói quen chi tiêu: 62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu; trong đó, 54% người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ, chi tiêu cho du lịch chỉ còn 42%, và điện tử chỉ ở mức 38%. Với mặt hàng tạp hóa và thực phẩm, có 18% người tiêu dùng Việt Nam dự định cắt giảm chi tiêu.

Tuy nhiên, chính trong bối cảnh đó các DN bán lẻ trong nước đã cho thấy những cách làm mới, hiệu quả. “Nỗ lực kéo sức mua” được coi là khẩu hiệu chung của cộng đồng khối các DN bán lẻ. Trong số các phương thức kích cầu mua sắm, thì giải pháp quan trọng là cắt giảm chi phí trong chuỗi cung ứng, thực hiện nhiều chương trình giảm giá để cải thiện sức mua. Ví dụ với hệ thống WinMart/WinMart+ đã ứng dụng công nghệ vào xây dựng hệ thống logistics nội bộ, bước đầu giúp giảm 13% chi phí cung ứng trên mỗi sản phẩm. Hệ thống này cũng triển khai các chương trình khuyến mại 2 tuần/kỳ, khuyến mại lên tới 50% áp dụng cho nhiều ngành hàng, có gian hàng không lợi nhuận để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Đại diện một số siêu thị ở Hà Nội cho biết, người tiêu dùng không còn đi mua sắm nhiều lần như trước đây và quan tâm nhiều đến các mặt hàng thiết yếu, giảm giá, khuyến mãi. Do đó, siêu thị phải duy trì hàng nghìn mặt hàng thiết yếu giảm giá 10 - 50% để chia sẻ lợi nhuận để ổn định giá cả hàng hóa, duy trì sức mua.

Theo các nhà bán lẻ, năm 2023 cũng là năm mà kinh tế Việt Nam dự báo vẫn duy trì tăng trưởng tốt, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Riêng mức độ cạnh tranh trong thị trường bán lẻ dự đoán sẽ gay gắt hơn với sự tham gia và mở rộng hoạt động của các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, những tháng còn lại của năm 2023, lĩnh vực bán lẻ vẫn được dự báo sẽ hoạt động sôi nổi hơn, bởi hầu hết các DN đều có những giải pháp thích hợp trong nỗ lực không mệt mỏi “kéo sức mua”.

PV