Giá gạo thời gian tới thế nào?
Dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo các nước tiếp tục tăng. Đây là cơ hội cho gạo Việt xuất khẩu. Bởi vậy, theo các chuyên gia, ngành gạo cần tập trung vào việt nâng chất và xây dựng thương hiệu hạt gạo để luôn đạt giá trị cao khi xuất khẩu.
Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm 20/7 khi Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu gạo. Theo các tiểu thương, giá gạo xuất khẩu tăng đã đẩy giá lúa, gạo trong nước tăng mạnh so với tháng 7. Tại Hà Nội hiện các loại gạo đều tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg tùy loại.
Theo dự báo của các thương lái, thời điểm này dù giá gạo nhích lên từng ngày, cơn sốt gạo vẫn gia tăng do nhu cầu của thế giới lớn. Tuy nhiên, hầu hết các thương lái không dám “găm hàng” vì nếu ôm hàng, khi giá gạo chững lại hoặc đi xuống là lỗ.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng, giá gạo trong nước tăng do 3 yếu tố. Thứ nhất là do yếu tố tâm lý. Thứ hai, từ ngày 1/7/2023 lương cơ bản tăng khiến nhiều mặt hàng tăng trong đó có mặt hàng gạo. Thứ ba, gạo được “hút” vào xuất khẩu cũng đồng nghĩa lượng gạo tại các đại lý sẽ ít đi, do đó đẩy giá trong nước tăng.
“Giá gạo tăng nhưng không có tình trạng đầu cơ, găm hàng” - ông Thủy nhận định và cho hay, muốn đầu cơ, găm hàng đòi hỏi phải có hệ thống nhà kho, bảo quản. Việc này với doanh nghiệp đã khó, đối với các đại lý lại càng khó hơn. Bên cạnh đó, những khuyến cáo của các cơ quan chức năng, trong đó, có Bộ Công Thương cũng đã liên tục được đưa ra.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện tổng diện tích gieo trồng lúa năm nay vẫn đảm bảo 7,1 triệu ha, sản lượng theo kế hoạch 43 - 43,5 triệu tấn lúa, do vậy có thể yên tâm về nguồn cung. Ngoài đảm bảo đủ sản lượng trong nước vẫn có đủ nguồn thể xuất khẩu. Theo tính toán, nếu tăng thêm diện tích 50.000ha lúa Thu Đông sắp tới thì có thể thu thêm 100 triệu USD. Đây là thời điểm vàng để Việt Nam tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới. Thế nhưng đi cùng với đó là phải bảo đảm tổ chức phân phối, lưu thông gạo ở thị trường trong nước để tránh tăng đột biến, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, thị trường gạo đang ở giai đoạn biến động giữa ổn định với dao động mới do đó đòi hỏi các nhà quản lý chính sách, doanh nghiệp phải tỉnh táo nắm bắt thông tin kịp thời. Bên cạnh đó cần liên kết phối hợp chặt chẽ, các cơ quan phải hỗ trợ cho doanh nghiệp về tiếp cận vốn.
Dù việc tăng giá gạo trong nước hiện nay chưa tác động nhiều đến chỉ số tiêu dùng tuy nhiên về lâu dài sẽ tác động ít nhiều đến thị trường vì vậy, phải đảm bảo bài toán điều tiết thị trường bằng cách quy hoạch vùng trồng theo hướng vùng nào để xuất khẩu, vùng nào để sản xuất cho thị trường trong nước.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam đã có bài học năm 2008 khi giá gạo tăng rất cao nhưng Việt Nam lại cấm xuất khẩu nên lỡ mất cơ hội. Vì có thể Ấn Độ sau khi ổn định tình hình, giá gạo trong nước sẽ quay trở lại thị trường, khi đó giá gạo sẽ giảm. Do đó, đây là cơ hội tốt cho các DN xuất khẩu gạo Việt Nam.
Tại hội nghị Sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương, nhưng phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời giữ vững an ninh lương thực quốc gia.