Tính mạng, tài sản của người dân là trên hết
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, 7 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 1.753 sự cố, thiên tai, làm chết 267 người, mất tích 78 người, bị thương 291 người; sập đổ, tốc mái 9.075 ngôi nhà... Đáng lo ngại nhất là lũ quét và sạt lở đất. Vì sao lũ quét và sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng, nhất là ở các tỉnh miền núi Tây Bắc?
Đêm 11/8 và rạng sáng ngày 12/8, trên địa bàn huyện Mường La (Sơn La) xuất hiện nhiều trận mưa to, gió lốc, lượng mưa đo được có khi trên 40mm, đã gây ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Mưa lũ đã làm 1 người dân ở bản Huổi Chà, xã Nậm Giôn bị thương; 10 nhà của các hộ dân ở thị trấn Ít Ong, xã Chiềng Ân, xã Pi Toong, xã Chiềng Lao, xã Tạ Bú, xã Chiềng Muôn bị sạt lở taluy, đá lăn vào nhà, trong đó, 2 nhà ở xã Tạ Bú, xã Chiềng Muôn phải di dời khẩn cấp. Cùng với đó, một số tuyến đường bị sạt lở, gây cản trở giao thông...
Mù Cang Chải: Tan hoang vì lũ ống, sạt lở
Trong những ngày qua, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) là nơi lũ lụt, sạt lở nguy hiểm nhất. Sau 6 năm, người dân 3 xã của huyện lại một lần nữa phải hứng chịu nỗi nhọc nhằn mất nhà cửa, ruộng nương kèm theo đó là cả nước mắt vì nỗi đau mất mát người thân. Riêng xã Hồ Bốn bị cô lập do mưa lũ từ tối 5/8. Phải mất 3 giờ băng qua các vũng bùn lầy, các đoàn cứu trợ mới vào tới trung tâm xã.
Lũ ống cuốn theo tài sản của người dân trôi theo dòng nước. Theo lời kể của bà Giàng Thị Khua ở bản Trống Là (xã Hồ Bốn), nghe mọi người hô hào chạy thì chạy. Khi ấy, lũ đã ngập ngang người. Nhanh lắm, lũ dâng lên chỉ tính theo giây. Đến gần 1 giờ đêm, bà mới đến được nhà người dân gần đó.
Còn vợ chồng anh Cứ A Sinh - Vàng Thị Dí, ở xã Khao Mang nói trong nước mắt: “Khoảng chiều tối ngày 5/8, hai con tôi đang ngủ trên giường. Sau tiếng động lớn thì một tảng đá lớn từ bên phía ta luy dương rơi xuống qua Quốc lộ 32 rồi văng vào nhà, trúng giường khi hai cháu đang ngủ dẫn tới tử vong”.
Mãi tới sau 6 ngày lũ quét, Quốc lộ 32 từ Mù Cang Chải sang Lai Châu mới tạm khai thông, khi mà hơn 100 vị trí trên tuyến quốc lộ này bị sạt lở cả taluy dương lẫn taluy âm.
Lâm Đồng: Sạt lở tới sát tường nhà dân
Thảm họa sạt lở trên đèo Bảo Lộc (đêm 30/7) chưa hết bàng hoàng thì tại đường tránh Quốc lộ 20 đoạn qua (Lâm Đồng) lại xuất hiện nhiều vết nứt, có chỗ nền đường lún sâu 30cm. Quanh khu vực nứt có hiện tượng sạt lở đất.
Được biết, đoạn đường bị sạt lở, nứt đất có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, khởi công từ tháng 2/2017. Theo kế hoạch, tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2019. Dự án đã thi công được 70% khối lượng gồm các hạng mục nền đường, móng đường đá dăm, hệ thống thoát nước… Từ tháng 10/2020 đến nay, dự án thiếu vốn nên tạm dừng thi công.
Cũng tại Lâm Đồng, gần đây xuất hiện nhiều điểm sạt lở, sụt lún tại khu vực thi công dự án hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà), các vết nứt có chiều rộng 5-10cm, kéo dài tới khu vực người dân sinh sống. Được biết, dự án hồ chứa nước Đông Thanh có tổng mức đầu tư hơn 494 tỷ đồng, diện tích lưu vực 11km2, diện tích hồ chứa hơn 3 triệu m3.
Đại diện UBND huyện Lâm Hà cho biết, tình trạng sụt lún, sạt trượt đất ảnh hưởng đến 9 hộ dân với hơn 5,3 ha đất sản xuất nông nghiệp; 500m đường giao thông tránh ngập có nguy cơ sụt lún, sạt trượt.
Đắk Nông: Khẩn trương cứu hồ Đắk N’ting
Hồ chứa nước Đắk N’ting trên địa bàn xã Quảng Sơn (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông), tổng mức đầu tư 137 tỷ đồng. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, với tình hình mưa lũ hiện nay nguy cơ sẽ có hơn 1 triệu m3 đất bị sạt trượt xuống công trình thủy lợi, nguy cơ vỡ đập. Ông Hiệp cũng cho biết, còn rất ít ngày để cứu hồ nước trước khi những đợt mưa lớn được dự báo trút xuống vào cuối tháng 8.
Trước đó, ngày 2/8, cơ quan chức năng huyện Đắk G’long bất ngờ phát hiện mái đồi bên trái hồ chứa nước Đắk N’ting xuất hiện các vết nứt đất dài khoảng 500m. Nhà cửa của các hộ dân xung quanh hồ chứa nước này cũng có hiện tượng bị nứt gãy nền nhà. Những vết nứt, sạt trượt ngay trên thân đập và các khu vực xung quanh ngày càng mở rộng.
Chưa hết, chỉ trong vòng 10 ngày trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện hàng chục điểm nứt đất, sạt lở, sụt lún. Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tình trạng nứt đất, sạt trượt như hiện nay là chưa từng thấy trong vòng 20 năm qua. Tại TP Gia Nghĩa và các huyện Đắk G’long, Tuy Đức, Đắk Song và Đắk R’lấp, chính quyền đã phải di dời hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tình hình sạt lở tại nhiều khu vực trên cả nước đang diễn biến rất phức tạp gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân. Hỗ trợ, giúp dỡ người dân trong vùng thiên tai đang được khẩn trương triển khai, với tinh thần tính mạng và tài sản của người dân là trên hết.
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái yêu cầu, các đơn vị theo chức năng tăng cường giám sát và cảnh báo kịp thời các thiên tai, đặc biệt là vấn đề sạt lở đất ở các khu vực Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc khi mà đất, đồi đã ngấm nhiều nước, do trạng thái bão hòa do có nhiều ngày mưa liên tiếp. Phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương điều tra, khảo sát, khoanh vùng nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để các địa phương có căn cứ chỉ đạo, quy hoạch dân cư phù hợp, đảm bảo an toàn.
Vẫn bạt đồi núi, chặt cây rừng thì thảm họa chưa chấm dứt
Nguyên nhân gia tăng tình trạng sạt lở, đang được các chuyên gia phân tích và mổ xẻ. Theo TS Nguyễn Quốc Định - Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội), mưa lớn làm tích một lượng nước lớn trong đất, làm giảm kết cấu độ bền của đất cộng với địa hình dốc đã dẫn tới sạt lở. Tuy nhiên, nguyên nhân tiếp theo là từ hoạt động can thiệp của con người, như đô thị hóa, di dân, phá rừng, xây dựng nhà ở trên địa hình đồi, dốc.
“Hoạt động can thiệp của con người đã phá vỡ cân bằng tự nhiên vốn có nên khi mưa lớn kéo dài thì làm giảm sức bền của đất, trọng lượng của đất tăng lên đã dẫn đến sạt trượt” - ông Định nói. Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản đã lập được bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở tại nhiều địa phương, chỉ rõ từng vùng có nguy cơ sạt lở và sạt lở cao. Từ đó hạn chế xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng đường sá, cầu đường để giảm thiểu rủi ro.
Với câu hỏi: Điều gì là quan trọng nhất đối với công tác phòng tránh sạt lở đất hiện nay? Theo ông Định, cần phải thay đổi nhận thức của người dân, chính quyền các địa phương về nguy cơ sạt lở đất. Nếu vẫn tiếp tục bạt đồi, núi để xây nhà thì tai họa sẽ vẫn xảy ra.
GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lúc còn công tác ông đã từng cảnh báo việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang trồng cây lâu năm sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về sạt lở đất trong mùa mưa lũ. Vì rừng trồng chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế và che bóng mát, chứ ít tác dụng ngăn lũ lụt, sạt lở đất, đá.
“Chỉ rừng tự nhiên mới có thảm thực vật dày từ 50cm đến 1m để thấm nước, giữ nước. Mất rừng tự nhiên, đất không thấm nước, điều đó dẫn đến lũ lụt. Nhiều vùng đất yếu dễ bị nước lũ làm nhão ra dẫn đến sạt lở, sụt lún” - ông Hồng phân tích và cho rằng với rừng trồng phải mất nửa thế kỷ lá rừng rụng xuống, hình thành thảm thực vật dày 1m thì mới giữ được nước. Còn nếu rừng mất lớp mùn, thảm thực vật, nước sẽ trôi tuột đi tạo thành lũ gây sạt lở đất, đá”.
Theo GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng) do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế. Mặt khác, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Ngoài ra, sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.