Xây dựng điểm đến và tự chủ tài chính của một di tích

ĐĂNG NGỌC 22/08/2023 07:18

Trong du lịch văn hóa, số người chọn tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử, di sản văn hóa có xu hướng tăng cao. Để thu hút khách tham quan đến với loại hình du lịch này, một số cơ sở đã có sự đầu tư thích đáng và cách làm mới.

Khuê Văn Các. Ảnh: Thư Hoàng.

Một trong số các di tích đang xây dựng thương hiệu điểm đến với du khách và từng bước tự chủ về tài chính, đó là Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

1.Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận từ năm 2012; Khuê Văn Các được chọn là biểu tượng của Thủ đô; 82 tấm bia Tiến sĩ nơi đây được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh sách Ký ức thế giới. Di tích là tài sản quý giá của Thủ đô, của cả nước.

Nhưng nếu chỉ dựa vào những thuận lợi đó thì không đủ, cần phải nỗ lực, cố gắng đổi mới nhận thức, đổi mới trong các hoạt động mới có thể phát huy tốt giá trị của di tích, mới xây dựng được điểm đến hấp dẫn du khách. Thời gian vừa qua, Trung tâm đã gắng sức để đa dạng hóa các hoạt động. Các cuộc triển lãm, trưng bày về di tích cũng như về giá trị văn hóa, di sản nói chung thường xuyên được tổ chức.

Trung tâm đã phối hợp với các không gian sáng tạo trên địa bàn Thành phố thực hiện các hoạt động sáng tạo, góp phần từng bước đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám dần trở thành một không gian sáng tạo, nơi kết nối các nhóm sáng tạo, hoạt động sáng tạo, tạo ra những giá trị mới trên nền tảng giá trị của di sản.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã đưa hoạt động khuyến học đi vào nề nếp, bước đầu có sự thành công của Chương trình giáo dục di sản, giúp các em học sinh, sinh viên nhận thức được những giá trị tốt đẹp của Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng, của truyền thống văn hóa dân tộc nói chung. Từ đó, hình thành nên thái độ đúng đắn, lòng yêu mến di sản văn hóa dân tộc, động lực mạnh mẽ để thế hệ trẻ sáng tạo, đồng hành trong kỷ nguyên của hội nhập và toàn cầu hóa.

Các hoạt động khoa học như hội thảo, tọa đàm về lịch sử khoa bảng, các danh nhân… cũng được tổ chức thường xuyên đã tập hợp được đông đảo các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học uy tín tham gia, cung cấp cơ sở khoa học cho các hoạt động của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhất là công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.

Di tích là điểm đến của các đoàn khách ngoại giao, trong đó có nguyên thủ nhiều quốc gia trên thế giới. Trung tâm đang tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa; tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Cùng với các hoạt động đó, trung tâm thường xuyên chỉnh trang, chăm sóc cây, hoa, thảm cỏ và giữ gìn vệ sinh môi trường làm cho di tích luôn giữ hình ảnh xanh, sạch, đẹp, hài hòa, gắn bó với thiên nhiên, nên đã tạo thiện cảm với du khách.

Bia Tiến sĩ. Ảnh: Vương Hằng.

2.Du lịch văn hóa được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới. Bởi vậy, phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa là chủ trương, định hướng lớn của Nhà nước trong nhiều năm qua.

Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, du lịch văn hóa được xác định là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Nhà nước đã có cơ chế, chính sách khuyến khích các bảo tàng, di tích xây dựng điểm đến hấp dẫn, độc đáo tiến tới tự chủ về tài chính.

Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trong số ít di tích, bảo tàng ở nước ta đi tiên phong trong việc xóa bỏ cơ chế bao cấp, lấy thu bù chi. Theo chia sẻ của ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm, thì khi trung tâm bắt đầu tự chủ về tài chính gặp không ít khó khăn, vì cách thức làm việc dựa trên cơ sở có nguồn lực tài chính của Nhà nước hỗ trợ đã định hình thành nếp trong đơn vị, do đó cần phải quyết liệt thay đổi.

"Trước hết phải đổi mới về nhận thức, chuyển sang tư duy phục vụ, đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan. Sự thay đổi đó là cả một quá trình và không hề dễ dàng; Rồi cần sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận. Sau một thời gian điều chỉnh, nay Trung tâm đã tạo được nếp làm việc mới trên tinh thần trách nhiệm, hiệu quả. Việc đầu tư nguồn lực của đơn vị cũng đã có sự hợp lý, đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện các hạng mục phụ trợ phục vụ khách tham quan như nhà vệ sinh, nơi dừng chân nghỉ của khách tham quan, nơi bán hàng lưu niệm, nước uống… Cùng với đó là đầu tư cho các hoạt động chuyên môn để tạo ra các sản phẩm văn hóa có chất lượng trên cơ sở những giá trị của di tích”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết.

Nếu ai có dịp tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì đều nhận thấy, các trưng bày, triển lãm tại di tích thời gian qua được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp hơn, hấp dẫn hơn, được khách tham quan thích thú. Hôm tôi vào xem triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” - một triển lãm được hình thành dựa trên những những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ nhân, họa sĩ trong hành trình gìn giữ, phát huy dòng tranh này trong đời sống đương đại, khách Tây, khách ta cứ nườm nượt.

Trung tâm cũng đã tích cực thực hiện chuyển đổi số: Có dịch vụ thuyết minh tự động bằng 12 ngôn ngữ, hệ thống vé điện tử, bán vé online phục vụ các đơn vị lữ hành. Sắp tới Trung tâm sẽ kết hợp với đơn vị du lịch tổ chức tour tham quan về đêm. Chương trình này nhằm góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế đêm của Chính phủ, phát huy tốt giá trị của di tích và tạo nên sản phẩm mới cho khách tham quan.

Cùng với sự khởi sắc của ngành du lịch, từ đầu năm đến nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút gần 1 triệu khách tham quan. Theo ông Lê Xuân Kiêu, đơn vị đã dần ổn định nguồn thu, duy trì tốt các khoản chi thường xuyên, đảm bảo cho công tác chuyên môn, có tích lũy, tiết kiệm để dành cho các nhiệm vụ tu bổ di tích và dần cải thiện được đời sống của cán bộ viên chức, người lao động.

Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có nhiều hoạt động thu hút du khách. Trong ảnh, khách tham quan được trải nghiệm vẽ theo mẫu tranh Hàng Trống.

3.Bảo tàng, di tích không chỉ giúp lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, nét tinh túy của nhân loại, mà còn tạo ra những giá trị gia tăng. Để bảo tàng, di tích tự cân đối tài chính nhằm tránh lãng phí tiềm năng, nguồn lực của mỗi đơn vị là việc cần thiết. Nhưng để tự chủ về tài chính của các bảo tàng, di tích là một công việc rất khó khăn. Sản phẩm du lịch văn hóa là đặc thù, không như các sản phẩm thương mại, vì thế cần có lộ trình.

Với những bảo tàng, di tích ít điều kiện để có thể kết hợp du lịch với văn hóa, nghĩa là ít có nguồn thu thì Nhà nước cần có cơ chế rõ ràng. Trước mắt Nhà nước cần đầu tư về cơ sở vật chất cũng như các điều kiện cho tự chủ và thực hiện cơ chế đặt hàng cho các đơn vị. Theo các chuyên gia, kinh phí đầu tư cho các hoạt động trên cơ sở đặt hàng của nhà nước phải theo đơn giá, định mức kỹ thuật được xây dựng khoa học, phù hợp với thực tiễn để phát huy sự chủ động, sáng tạo của các đơn vị, từng bước thực hiện tự chủ bền vững.

Giữa ngành du lịch và một số bảo tàng, di tích đã có sự kết hợp xây dựng tour, như: “Lịch sử Việt Nam khám phá từ lòng đất”; “Lịch sử Việt Nam qua các dòng sông”... Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, chưa có sự phối hợp thật chặt chẽ từ cơ chế, chính sách cho đến những hoạt động thực tiễn để tạo ra môi trường du lịch văn minh, hấp dẫn, các sản phẩm văn hóa có chiều sâu, đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan cũng như đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, kể cả cộng đồng dân cư xung quanh các bảo tàng, di tích.

Dựa trên các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, tránh tư duy "ăn xổi ở thì", chỉ biết khai thác tối đa với mục đích lợi nhuận mà không chú ý đến đầu tư, chăm sóc các thiết chế văn hóa, bồi đắp các giá trị văn hóa thì sẽ không có phát triển du lịch bền vững.

ĐĂNG NGỌC