Biểu tượng bồ nông trong văn hóa Việt

TẠ ĐỨC 23/08/2023 05:58

Có một thời gian tôi mải miết đi tìm câu trả lời cho câu hỏi : Vì sao bồ nông là loài chim có vị trí đặc biệt trong đồ đồng Đông Sơn?

Hình bồ nông trên tang trống Hoàng Hạ.

Quả thực, nếu trên vành ngoài cùng trên mặt trống Ngọc Lũ chỉ có 2 con bồ nông đứng xen với 18 con chim cốc đứng dưới 18 con cò trắng bay, thì trên nắp thạp Ngọc Lũ, bồ nông chiếm toàn bộ vành duy nhất có hình chim.

Tiếp đó, trên trống Hoàng Hạ, các bồ nông lớn khác thường, có 2 con mỏ ngậm cá, đứng ở đầu hay đuôi các con thuyền, trong đó một đôi có vẻ ở tư thế giao phối. Rồi thạp Hợp Minh, chiếc thạp Đông Sơn đẹp nhất hiện còn, có tượng 4 con bồ nông trên nắp và một vành toàn bồ nông ở thân. Trống Tiên Nội I lại có một vành toàn chim bồ nông ở tang. Trống Quảng Chính lại có 10 ô chứa hình bồ nông ở thân. Tượng bồ nông cũng có trên khóa thắt lưng, cán muôi, nắp bình hương, và đặc biệt, đứng độc lập với các dáng và chi tiết rất đẹp và lạ.

Tóm lại, so với các loài chim khác, bồ nông có mặt đa dạng hơn hẳn trên các bộ phận khác nhau của cả trống, thạp đồng cũng như đồ đồng Đông Sơn nói chung.

Trong khi đó, hình vật tổ cò trắng - chim Lạc, dù có mặt thường xuyên trên trống và thạp Đông Sơn, nhưng gần như không xuất hiện trên các đồ đồng khác, nhất là ở dạng tượng.

Để có được câu trả lời, trước hết, tôi tìm các tư liệu sinh vật học xem loài chim này có gì đặc biệt. Tôi nghĩ, so với người thời nay, người Đông Sơn sống gần, sống chậm, sống tinh, sống duy tình hơn với tự nhiên nên có hiểu biết, tuy không quá sâu, quá chi tiết, nhưng rất cơ bản về loài chim này.

Chắc chắn, với người Đông Sơn, bồ nông là loài chim nước, chim biển lớn nhất. Điểm nổi bật nhất của nó là cái mỏ khủng và dị, đầu mỏ trên có móc giúp bồ nông có thể bắt cá trên mặt nước. Đặc trưng độc đáo nhất của nó là cái bìu hay túi có thể co giãn ở cổ họng giúp nó có thể cào xúc những con cá to, để ráo nước rồi sau đó nuốt hoặc ngoạm những con mồi lớn.

Bồ nông cũng là một trong những loài chim bay lớn nhất, có sải cánh rộng nhất. Tuy cơ thể trông có vẻ cục mịch, nặng nề nhưng bồ nông lại có thể bay cao, bay xa tìm mồi, bay lâu trên mặt nước kiếm mồi. Khi xuống nước, với đôi chân có màng, bồ nông lại có thể bơi nhẹ nhàng. Rồi khi cần, chúng vỗ cánh, đạp chân xuống mặt nước chạy lấy đà để bay lên thanh thoát...

Hình bồ nông trên khóa thắt lưng.

Bồ nông thường sống thành đàn, bay theo đàn và nhiều khi, săn mồi theo đàn. Khi bay chúng tạo thành đội hình chữ V. Khi săn mồi, chúng tạo đội hình chữ U. Nhìn đàn bồ nông giang cánh, vỗ cánh nhịp nhàng, thống nhất theo chim đầu đàn để dồn cá vào một chỗ hay vào vùng nước nông cho dễ bắt, dễ liên tưởng đến một đoàn chiến binh dày dạn, có tính kỷ luật cao, đoàn kết như một.

Thực tế, bồ nông là loài chim không hiền lành và đôi khi chúng trở nên dữ tợn. Khi đói, bồ nông ăn cả trứng, con non lẫn bố mẹ của các loài chim khác. Chúng cũng không ngán há chiếc mỏ có túi rộng ra ngoạm cả rắn, ếch, rùa nhỏ.

Với những đặc tính trên, chắc chắn, bồ nông đã là vật tổ của một nhóm người thời Đông Sơn chuyên đánh cá và đi biển, những người luôn mong tổ tiên-thần linh bồ nông che chở, giúp đỡ họ đánh được nhiều cá hay đi biển xa và an toàn trở về. Đó cũng là nhóm người cung cấp những chiến binh tài năng và những chiến tướng lão luyện cho hải quân Âu Lạc, đội quân có vai trò quan trọng không chỉ trong việc bảo vệ thành Cổ Loa mà còn trong việc chuyên chở nhân tài vật lực cho nghề đúc đồng và cho việc đúc trống đồng, biểu tượng của vương quyền và thần quyền Âu Lạc.

Rất có thể, chiếc khóa thắt lưng Đông Sơn có hình hai chú bồ nông là một dạng bùa hộ mệnh của một vị tướng trong đội quân đó.

Rõ ràng, thuyền trên trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, trên thạp Đào Thịnh, Hợp Minh là dạng thuyền biển cỡ lớn với hình chim biển bồ nông ở hai đầu thuyền và hình chim hải âu trên đầu các chiến binh trên thuyền. Dưới các con thuyền tương tự trên hai chiếc trống tìm được ở Lào và Indonesia còn có hình cá mập, cá đuối, hai loài cá biển.

Hình thuyền biển và chim cá biển đó cho thấy ít nhất một bộ phận người Đông Sơn là dân sống ven biển hoặc là dân đi biển, điều lý giải sự phát tán xa rộng của trống đồng Đông Sơn tới vùng hải đảo Đông Nam Á.

Hình bồ nông trên muôi đồng Đông Sơn.

Mặt khác, trên trống đồng, một nhạc cụ thiêng trong đám ma Đông Sơn, các thuyền biển đó còn thể hiện các con thuyền hồn, tức các con thuyền ma thuật đưa hồn người chết trở về vùng đất tổ.

Khái niệm thuyền hồn phổ biến ở nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới, bắt nguồn từ quan niệm coi cái chết là một cuộc hành trình trở về với tổ tiên, coi thế giới bên kia là vùng đất tổ hoặc ở bên kia sông, hoặc ở giữa biển, hoặc ở dưới nước. Không ngẫu nhiên, hình thuyền chỉ xuất hiện ở tang trống và thân thạp đồng, trong vũ trụ quan của người Đông Sơn thể hiện thế giới dưới Nước, tương ứng với mặt trống thể hiện thế giới Trời và Đất.

Cuộc hành trình về nguồn ấy cần có sứ giả của tổ tiên dẫn đường và bảo vệ. Đó chính là các chiến binh đội mũ cắm lông chim, tức những người - chim. Họ mang theo vũ khí và ở các tư thế chiến đấu thể hiện vai trò bảo vệ các linh hồn.

Trong cuộc hành trình đó, bồ nông - vật tổ của những chiến binh và những người chèo lái thuyền cũng luôn có mặt.

Giờ đây, tôi đã hiểu vì sao, hình hay tượng bồ nông lại xuất hiện nổi bật trên nắp thạp Ngọc Lũ và thân thạp Hợp Minh. Chức năng chính của thạp đồng Đông Sơn là vật chứa di cốt người chết. Rõ ràng, lòng thạp Đào Thịnh khi phát lộ còn chứa tro xương hỏa táng, còn thạp Hợp Minh lại chứa di cốt hung táng. Vì thế, hình và tượng bồ nông trên thạp thể hiện sứ giả của vật tổ đi đón hồn người chết. Các pho tượng bồ nông được chôn trong mộ cũng có ý nghĩa tương tự.

Đi tìm câu trả lời về biểu tượng bồ nông trên đồ đồng Đông Sơn, tôi cũng tham khảo về biểu tượng bồ nông trong các nền văn hóa cổ trên thế giới. Điều lý thú là trong văn hóa Ai Cập cổ, bồ nông là biểu tượng của cái chết lẫn sự phục sinh sau khi chết. Người Ai Cập cổ tin bồ nông có sức mạnh che chở, bảo vệ hồn người chết và đưa hồn an toàn tới thế giới bên kia. Từ đó, họ điêu khắc hình bồ nông trên tường mộ của các quý tộc.

Trong văn hóa dân gian Việt sau này, các câu ca dao kiểu “Bao giờ cho hết tháng ba/Bồ nông no ấm ở nhà nghỉ ngơi" hay "Cái cò cái vạc cái nông/Ba con cùng béo vặt lông con nào”... cho thấy dường như tính biểu tượng của bồ nông thời Đông Sơn đã hoàn toàn mai một.

Nhưng ngày nay, khi học sinh lớp 3 học bài “Bồ nông có hiếu” (chuyện của nhà văn Phong Thu) trong sách Tiếng Việt, thì biết cái túi của bồ nông là biểu tượng cho lòng hiếu thảo của một chú bồ nông con nuôi mẹ; học sinh lớp 7 học bài sinh vật, biết cảnh bồ nông xếp thành đàn bắt cá thể hiện mối quan hệ “hỗ trợ cùng loài” thì có vẻ tính biểu tượng của bồ nông thời Đông Sơn đang dần sống lại…

TẠ ĐỨC