Xây dựng chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm OCOP
Chiều 14/8, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM cùng với sàn thương mại điện tử Tiki ký biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn TP HCM; Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP HCM; Chương trình Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành.
Ngoài ra, chương trình kỳ vọng đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Theo nhận định của các đơn vị, chương trình không chỉ hướng đến bán sản phẩm OCOP đơn thuần trên sàn thương mại điện tử, mà phải kể được câu chuyện thổ nhưỡng, khí hậu, văn hóa độc đáo của từng sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng. Điều này giúp sản phẩm OCOP thêm khác biệt và gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM cho rằng, chương trình OCOP có ý nghĩa lớn trong việc nâng tầm sản phẩm địa phương. Khi được chứng nhận, nhiều sản phẩm như cà pháo, bột rau má, cà phê nông sản đã xuất khẩu sang hàng chục nước trên thế giới.
“Cần phải tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP của TP HCM cũng như các tỉnh thành đến người tiêu dùng trong nước, từ đó giúp sản phẩm OCOP Việt Nam xuất khẩu vào thị trường các nước”, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú nêu quan điểm.
Chương trình OCOP TP HCM được triển khai từ năm 2019. Sau 2 năm đánh giá, xếp hạng (năm 2021 và năm 2022). Hiện, TP HCM có 66 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, nhiều sản phẩm là đặc sản Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn đã được công nhận OCOP.