Nợ xấu vẫn... xấu
Trước áp lực tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu gia tăng, lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo sẽ có sự giảm tốc. Giới chuyên gia nhìn nhận, lợi nhuận sẽ có sự phân hóa mạnh.
Nhiều yếu tố tác động đến lợi nhuận
Mới đây, Công ty chứng khoán VCBS đã đưa ra dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng. Nguyên nhân là do tín dụng năm nay tăng thấp (khoảng 12%), nợ xấu tăng và biên lãi thuần (NIM) thu hẹp.
Đáng lưu ý, lợi nhuận ngân hàng dự kiến tiếp tục phân hóa mạnh, với một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục. Thực ra lợi nhuận của ngân hàng giai đoạn cuối năm sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm nợ xấu, tăng trưởng tín dụng, kinh doanh ngoại hối...
Đáng chú ý, nợ xấu trong thời gian gần đây tăng mạnh. Theo ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, khó khăn trong trả nợ ngân hàng dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dù NHNN đã có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay là đáng lo ngại. Thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả các khoản nợ, gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Ông Nguyễn Anh Quân - Trưởng phòng Xếp hạng tín nhiệm định chế tài chính, FiinRatings nhận định, nợ xấu gia tăng trong 2 quý vừa qua là kết quả đã được dự báo từ những khó khăn của thị trường vốn, với sự suy thoái của thị trường bất động sản và tình trạng mất khả năng thanh toán của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nợ nhóm 2 tăng mạnh trong 1 năm rưỡi trở lại đây sẽ tiếp tục gây áp lực lên nợ xấu trong 12 tháng tới. Song song với đó, áp lực về chất lượng tài sản có thể kéo dài ngoài dự kiến, tùy thuộc vào hiệu quả của các chính sách hỗ trợ cũng như các khoản nợ được cơ cấu lại.
“Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đánh giá triển vọng của lĩnh vực ngân hàng ở mức ổn định. Về trung và dài hạn, việc duy trì chính sách quản trị rủi ro phù hợp với năng lực cho vay, phân bổ danh mục cho vay phù hợp với chất lượng tín dụng của khách hàng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững của các ngân hàng thương mại” - ông Quân nói.
Ngân hàng thận trọng hơn
Năm 2023, các ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế tăng so với năm 2022, nhưng có sự phân hóa rõ rệt.
Một số ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 10 - 20%, với dự kiến tăng trưởng tín dụng chậm lại và biên lãi ròng ổn định, thậm chí giảm. Chẳng hạn như Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 giảm 13,9%.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại trong năm 2024 nhưng sẽ có sự phân hóa. Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải. Riêng nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.
Trong khi đó, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, tăng cường hệ số an toàn vốn ngân hàng là cách để đảm bảo đủ vốn nhằm hấp thụ thua lỗ có thể xảy ra, đồng thời duy trì ổn định khi phải đối mặt với các cú sốc kinh tế. Tăng cường cơ chế thể chế về giám sát an toàn, can thiệp sớm, xử lý các ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng là cách để giúp các cấp có thẩm quyền theo dõi và can thiệp hiệu quả những tổ chức tài chính có vấn đề, giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại trong năm 2024 nhưng sẽ có sự phân hóa. Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải. Riêng nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.