Nghiêm túc rút kinh nghiệm về những tồn tại, hạn chế

H.Vũ 15/08/2023 06:23

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 14/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề ‘’Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông’’.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chương trình môn học ban hành chậm

Báo cáo về kết quả giám sát, ông Nguyễn Đắc Vinh - Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Đoàn giám sát nhận thấy chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình GDPT 2018 đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch. Chương trình GDPT mới đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm học 2020-2021 theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Tuy nhiên, Chương trình GDPT tổng thể và các chương trình môn học ban hành chậm so với yêu cầu (30 tháng) và chưa đầy đủ chương trình các môn học. Đặc biệt, quy định về môn học Lịch sử trong Chương trình GDPT mới gây bức xúc trong nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học; Quốc hội khóa XIII và khóa XV đã phải thảo luận, 2 lần ra nghị quyết, yêu cầu “tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình, sách giáo khoa mới” (năm 2015) và “nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh” (năm 2022).

Đoàn giám sát còn chỉ rõ, việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục chưa theo kịp yêu cầu của chương trình GDPT mới. Nhận thức, thói quen của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên (GV) và học sinh về phương pháp giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập chậm thay đổi. Năng lực áp dụng các kỹ thuật và phương pháp giáo dục mới của đội ngũ GV chưa đồng đều.

Chưa kể, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu GV dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cả nước còn thiếu 62.877 GV phổ thông; thừa cục bộ 5.091 GV. Từ nay đến năm học 2024-2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 GV Tin học và 5.780 GV Ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở thiếu 6.631 GV môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 GV; thiếu 2.366 GV môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 GV; thiếu 4.321 GV môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 GV.

Quang cảnh phiên họp. Nguồn: Quochoi.vn

Biên soạn, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập

Về biên soạn sách giáo khoa (SGK) mới, Đoàn giám sát thấy rằng: Việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định SGK còn nhiều bất cập. Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết giá SGK; thực hiện chính sách xã hội với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo. Việc thực nghiệm SGK chưa được coi trọng đúng mức, tổ chức trong thời gian ngắn, chưa bảo đảm yêu cầu về quy mô và chất lượng. Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa SGK chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở một số cuốn SGK, nhất là đối với SGK tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.

Cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới; việc mua SGK ngoài thị trường gặp khó khăn. Tình trạng in sách lậu, phát hành SGK giả diễn ra phức tạp. SGK mới phát hành chậm, GV có ít thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xảy ra sai phạm trong in ấn, xuất bản SGK; một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ kết quả giám sát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn kiến nghị, Đoàn Giám sát nghiên cứu bỏ nội dung giao Bộ GDĐT soạn thảo một bộ SGK trong dự thảo Nghị quyết về giám sát. Đồng thời có nghị quyết riêng về đổi mới giáo dục và giao Bộ GDĐT trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án về tăng cường điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục, đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đội ngũ GV sống bằng nghề.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như Chương trình áp dụng chung cho mọi vùng miền, nông thôn, thành thị và với mọi đối tượng học sinh. Do vậy, phát sinh sự chênh lệch trong quá trình thực hiện, nhiều văn bản chưa kịp thời. Bên cạnh đó, mục tiêu thì cao và xa hơn so với nguồn lực thực hiện, kinh phí tự thực hiện như về vấn đề kinh phí, vấn đề con người, vấn đề trang thiết bị.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, báo cáo giám sát đã cung cấp bức tranh tổng thể toàn diện và sâu sắc về tình hình đổi mới GDPT, có nhiều nội dung, giải pháp kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Chương trình GDPT mới cần đánh giá kỹ hơn chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK. Cần nhìn nhận lại kinh nghiệm quốc tế đến đâu từ chương trình mới ra tới bài giảng. “Về mục tiêu cải cách chuyển trọng tâm từ cung cấp nội dung trí thức sang nâng cao phẩm chất của người học, vậy SGK đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa?”- Chủ tịch Quốc hội nêu.

Đồng tình với đề nghị của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GDĐT, các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong báo cáo giám sát. Tiếp tục quản lý chặt chẽ, thường xuyên rà soát, đánh giá, hoàn thiện và phát triển chương trình GDPT, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 88/2014/QH13.

Tại phiên họp, 18/18 thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết nhất trí với các nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục và Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thành dự thảo Nghị quyết.

Theo đoàn giám sát, ở một số địa phương, việc lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa còn thiếu sót so với quy định của Thông tư số 25. Việc lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa tạo ra khó khăn trong khâu đặt hàng, bảo đảm cung ứng sách giáo khoa trước năm học mới. Sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận kiến thức.

Bộ GDĐT phải có trách nhiệm kiểm soát chất lượng SGK

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, kết quả của giám sát được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, chi tiết từ văn bản hướng dẫn đến kiểm tra tại các địa phương, có những đánh giá đầy đủ, khách quan về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Phó Thủ tướng bày tỏ đồng tình với báo cáo đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và các đề xuất, kiến nghị của Đoàn giám sát. Trong thời gian tới Chính phủ sẽ nghiêm túc đánh giá toàn diện hơn, đầy đủ hơn về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Liên quan đến xây dựng bộ SGK, Phó Thủ tướng cho biết, tại các cấp học, môn học đã có một số bộ SGK được xã hội hóa. Vấn đề này cần có đánh giá cụ thể kết quả thực hiện khi Nghị quyết giám sát được ban hành, từ đó có báo cáo đầy đủ, chính xác hơn. Phó Thủ tướng khẳng định, Nhà nước phải luôn đóng vai trò chủ đạo, có trách nhiệm từ khâu xây dựng chương trình, thẩm định, lựa chọn SGK theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88. Mặc dù lựa chọn phương án xã hội hóa để thu hút các chuyên gia, nhà giáo dục, các thầy cô giáo tham gia xây dựng các bộ SGK, tuy nhiên Bộ GDĐT phải có trách nhiệm kiểm soát chất lượng bộ SGK.

H.Vũ